Bản tin tháng 07/2007

Đá quý xử lý làm đẹp cho nhiều người

Hình 1: Nhờ có các phương pháp xử lý mà nhiều đá quý đã trở nên phổ thông vì đẹp hơn và giá cả vừa phải. Bộ nữ trang bằng đá emerald trên rất đẹp và đều màu cũng nhờ xử lý. Hình của GIA.

Vấn đề xử lý đá quý đã được Bản tin Giám định của Cty TNHH Giám Định Rồng Vàng SJC (GĐRV SJC) đề cập vài lần. Tuy nhiên lần này, vì thấy vai trò quan trọng của các đá quý được xử lý bán trên thị trường Việt Nam, nên GĐRV SJC đề cập đến sự tích cực và tiêu cực khi mua bán và sử dụng đá xử lý.

Con người đã biết xử lý đá quý trên một ngàn năm rồi. Mục đích của xử lý rất tích cực: Đó là làm cho đá quý đẹp hơn hoặc từ xấu không dùng được trở thành đẹp và dùng được (hình 1). Xử lý đá quý có ý nghĩa gần tương tự như cắt mài tỉ mỉ biến một viên đá quý thô chưa đẹp thành viên đá lấp lánh hấp dẫn. Đá có chất lượng quý trong tự nhiên rất hiếm và rất đắc tiền. Ngày xưa chỉ có giới hoàng tộc, quý tộc, người giàu có mới có thể đeo trang sức bằng đá quý. Tuy nhiên, thời xa xưa ấy con người cũng đã tìm cách làm cho đá quý đẹp hơn.

Ngày nay, nhờ có những công nghệ và thiết bị hiện đại, con người đã xử lý hầu hết các loại đá quý, từ những loại giá trị cao như kim cương, ruby… đến những loại giá trị thấp như thạch anh, turquoise… Và rất nhiều đá chất lượng xấu đã được xử lý để thành chất lượng cao hơn mà giá thành khá rẻ, phục vụ được cho giới bình dân, do đó rất nhiều người từ giàu đến nghèo, ai cũng có thể sở hữu nữ trang đá quý mà mình ưa thích.

 

 

 

 

 

 

Công bố các xử lý trên đá quý có ích lợi gì

Có những kiểu xử lý vẫn làm cho đá bền vững với môi trường xung quanh (xử lý nhiệt ruby và saphia, xử lý beryl saphia…), nhưng cũng có kiểu xử lý làm cho đá đẹp hơn nhưng không bền vững, muốn bền phải có sự chăm sóc cẩn thận của người sử dụng (xử lý tẩm màu cẩm thạch, tẩm dầu emerald, lấp đầy ruby với thủy tinh chì…).

Điều khó khăn cho các nhà ngọc học là có một số xử lý không thể phát hiện được, một số muốn xác định được phải có thiết bị giám định cao cấp (giá thiết bị  từ vài trăm ngàn đến vài triệu USD). Trường hợp nước ta, các đơn vị giám định chỉ được trang bị với một số thiết bị giám định cơ bản thì việc xác định đá có bị xử lý hay không lại càng khó hơn, đòi hỏi người giám định phải có kinh nghiệm.

Nếu biết được là đá đã xử lý và công bố rõ ràng cho những ai liên quan biết sẽ rất có lợi cho người buôn bán và cho cả người tiêu dùng (hình 2). Các lợi ích có thể:

Người tiêu dùng có nhiều cơ hội mua sắm đá quý: Tạo niềm tin trên thị trường về buôn bán đá quý đúng chất lượng, đúng giá cả. Việc trao đổi đá quý qua lại với thông tin đầy đủ sẽ hết sức dễ dàng. Đá quý sẽ hết sức đa dạng và với những mức giá cả khác nhau, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn.

Mua bán đúng hàng đúng giá: Các đá xử lý so với đá quý tự nhiên cùng loại, cùng vẻ đẹp và độ lớn nhưng không xử lý thì giá đá xử lý sẽ rẻ hơn. Khi người bán thông báo cho người mua biết là đá xử lý thì người mua sẽ không bị mua nhầm với giá của đá không xử lý, giúp hạn chế lừa gạt vì lợi nhuận cao có được từ mua bán không đúng tên đá và chất lượng đá.

Hình 2: Khi phát hiện được kiểu xử lý trên một viên đá quý, Cty TNHH Giám Định Rồng Vàng SJC công bố kiểu xử lý ấy trên giấy kiểm định để người mua biết và nhờ đó biết cách bảo quản riêng giúp viên đá bền vững. Hình của GĐRV SJC.

• Nhiều người mạnh dạn mua bán đá xử lý, phát triển thị trường đá đa dạng: Người bán phải cho khách hàng biết là đá đã xử lý kiểu gì, có bền hay không. Nếu xử lý không bền với môi trường (như emerald tẩm dầu, ruby tẩm thủy tinh chì…) thì phải hướng dẫn khách hàng các cách bảo quản đá. Làm như thế mọi ngưòi sẽ mạnh dạn mua bán đá quý xử lý giá rẻ nhưng vẫn đẹp và bền nhờ bảo quản đúng cách.

• Làm yên tâm người mua, tăng uy tín người bán: Công khai các thông tin về hàng hóa trở thành trách nhiệm và lương tâm của người bán. Nếu làm được như thế sẽ giúp khách hàng yên tâm và uy tín người bán tăng cao.

Với những lý do trên, GĐRV SJC với tư cách là người giám định, phân cấp đá quý sẽ cố gắng hết sức để phân biệt các loại đá và các kiểu xử lý. Khi phát hiện đá được xử lý, GĐRV SJC có trách nhiệm công bố kiểu xử lý trên giấy kiểm định và trên vỉ đá (hình 2). Việc phải công khai thông tin này là vì lợi ích người tiêu dùng và giúp phát triển kinh doanh đá quý đa dạng trên thị trường.

Sự công khai thông tin ban đầu mọi người thường chưa quen nhưng về lâu dài nó sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt. GĐRV SJC sẽ sẵn sàng giúp đỡ khách hàng nào cần những thông tin về các loại đá quý và các cách bảo quản chúng.

 

Cẩn thận khi dùng ruby xử lý lấp đầy thủy tinh chì        

Bản tin Giám định tháng 09/2006 của GĐRV SJC đã đề cập đến đá ruby xử lý bằng thủy tinh chứa chì. Lần này Bản tin lại đề cập vấn đề này lần nữa vì nhận thấy nó quan trọng.

Thủy tinh chứa chì có chiết suất gần bằng với ruby nên sau khi thủy tinh chui được vào trong các khe nứt, lỗ rỗng của đá, nó làm cho các khe nứt và lỗ rỗng không còn nhìn thấy được hoặc khó thấy hơn, làm đá trở nên trong suốt hơn. Hầu hết các đá ruby đục (chắn sáng), xấu, không thể mài giác, có thể không tiêu thụ được như ở hình 3 đã được xử lý lấp đầy thủy tinh chì. Sau khi xử lý, chúng có thể bán được vì trở nên trong và đẹp hơn. Thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều đá ruby xử lý kiểu này do giá vừa phải và kích thước lớn. Chúng được bán với dạng thành phẩm mài giác, cabochon hoặc hạt, kích cỡ khoảng từ 1 đến 7 ct. Ruby xử lý thủy tinh chủ yếu có màu đỏ tím, độ bão hòa vừa, đá thường có trong suốt thấp, từ bán trong đến hơi trong (thực tế nhìn thấy đá hơi đục).

Hình 3: Các đá thô ruby đục, xấu ở hình trên được xử lý lấp đầy khe nứt bằng thủy tinh chứa chì, tạo ra những viên ruby màu đỏ tím trong và đẹp hơn ở hình dưới để có thể bán được. Hình của GIA.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là loại ruby xử lý thủy tinh dễ bị thay đổi với hoá chất và nhiệt, nếu không biết cách bảo quản, ruby sẽ bị hỏng hóc và trở nên xấu đi. Đã có một số khách hàng nêu thắc mắc với GĐRV SJC về việc sau khi người thợ thao tác trên viên đá (gắn hột, xi mạ, siêu âm…) thì viên đá bị thay đổi, khách hàng nghi vấn hoặc viên đá đã bị tráo hoặc là đá giả. Sau khi xem xét một số viên đá ấy, GĐRV SJC khẳng định chúng là ruby tự nhiên, nhưng chúng đã được xử lý lấp đầy thủy tinh chì. Khi người thợ thao tác trên đá, có thể dùng nhiệt quá cao hoặc dùng dung môi mạnh nên đã làm chảy hay hòa tan thủy tinh, làm lộ ra các khe nứt ban đầu và đo đó ta thấy đá không còn như trước.

GĐRV SJC xin nhắc nhỡ khách hàng, với những viên ruby có các tính chất như trên thì phải biết cách bảo quản. Sau đây là các kết quả thử nghiệm độ bền của chất lấp đầy thủy tinh chì:

Nhận hột và đánh bóng: Nhận các viên ruby có thủy tinh chì vào ổ hột, sau đó đem đánh bóng nhẹ nữ trang, đá vẫn an toàn.

Dùng nhiệt sửa đầu chấu ổ hột: Ruby có độ nóng chảy cực cao, hơn 1700oC, tuy nhiên thủy tinh chì nóng chảy khi nhiệt độ đạt 600 - 700oC. Như vậy với đèn khò của thợ kim hoàn tác động quá lâu trên viên đá có thể làm hỏng dáng vẻ viên đá vì thủy tinh có thể bị chảy ra khỏi khe nứt. Tuy nhiên, khi sửa đầu chấu và ổ hột, nếu người thợ chỉnh lửa nhiệt thấp nhất và tác động không lâu lên đá thì sẽ không ảnh hưởng đến nó.

Rửa với hơi nước nóng: Dùng máy xịt hơi nước nóng để rửa ruby lấp đầy thủy tinh chì 15 lần, mỗi lần 30 giây, kết quả các viên đá vẫn an toàn. 

Rửa bằng máy siêu âm: Dùng dung dịch sà phòng thông thường, rửa ruby xử lý từ 15 đến 60 phút bằng máy siêu âm thì đá vẫn không bị hư hỏng (không được dùng dung dịch tẩy mạnh).

 

 

 

Hình 4: Các chất như amomiac, chất tẩy trắng và cả nước chanh nguyên chất cũng có thể phá hủy thủy tinh chì trên bề mặt viên đá, tạo nên các vùng màu hơi trắng. Hình của C.P. Smith, phóng đại 32x.

Nhúng trong dung dịch làm sạch: Dung dịch làm sạch kim loại quý thường là axit pha loãng, được thợ kim hoàn dùng để làm sạch bề mặt kim loại quý sau khi chế tác hay sửa chữa nữ trang. Ngâm đá ruby có thủy tinh chì trong dung dịch tẩy rửa để xem phản ứng. Các dung dịch này bắt đầu tác động lên thủy tinh chì ngay khi tiếp xúc (khoảng 1 phút sau). Mức độ phá hủy càng nhiều khi thời gian tiếp xúc càng lâu. Nếu ngâm khoảng 1 giờ thì dung dịch chui sâu được vào bên trong phá hủy thủy tinh và làm lộ ra các khe nứt trước đó đã được lấp đầy (hình 4).

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 5: Bên trái là viên ruby chứa thủy tinh chì lấp đầy. Bên phải, sau khi ngâm viên ruby này trong dung dịch xút 1 giờ, thủy tinh chì bị hòa tan làm lộ ra các khe nứt mà trước đó không thể thấy được ở chính viên đá ấy. Hình của C.P. Smith.

Tiếp xúc với các dung dịch ăn mòn khác: Các dung dịch tương đối mạnh như dung dịch xút và nước cường toan sẽ phản ứng tức thì với thủy tinh. Chỉ cần vài phút là chúng có thể hòa tan tất cả thủy tinh chì trong các hốc hoặc nứt không sâu. Nếu ngâm viên đá trong vài giờ thì dung dịch sẽ hòa tan toàn bộ thủy tinh trong các hốc và khe nứt sâu, làm lộ ra toàn bộ các khe nứt có trong viên đá (hình 5). Nồng độ dung dịch ăn mòn càng lớn thì tốc độ hòa tan thủy tinh chì càng lớn và nhanh.

Tiếp xúc với các sản phẩm gia dụng: Dung dịch xịt chùi bếp lò cũng phản ứng rất nhạy với thủy tinh, chúng ăn mòn ngay khi tiếp xúc. Amoniac, chất tẩy trắng (nước javen) và cả nước chanh đậm đặc cũng có thể phản ứng với thủy tinh chì, mức độ nhẹ hơn. Nếu để lâu, thủy tinh ở bề mặt sẽ bị ăn mòn, làm rộ ra các đốm, các lằn có màu hơi trắng của hốc và khe nứt (hình 4 và 5).

 

Xác định hổ phách, copal, ambroid và plastic

Hổ phách (Amber): Nhờ dáng vẻ hấp dẫn và sự xuất hiện rộng rãi, hổ phách trở thành một trong những vật liệu quý từ trong mờ đến chắn sáng phổ thông nhất. Chúng chủ yếu có các màu cam, vàng và nâu, ngoài ra chúng cũng có màu trắng, đỏ và đôi khi là màu xanh dương hiếm do phát huỳnh quang.

Hổ phách hình thành do nhựa cây lâu năm bị hóa thạch. Vật liệu quý có độ bóng của nhựa. Đá có mặt nứt trôn ốc, ánh từ sáp đến nhựa. Chiết suất hổ phách bằng chiết suất nhựa cây là 1,54. Hổ phách chứa các tạp chất như dòng chảy của nhựa, bọt khí, xác các côn trùng (hình 6) và mẫu thực vật được bảo tồn – hai nhóm tạp chất sau được các nhà khoa học và sưu tập đánh giá cao nhất.

Hình 6: Hai hình trên là các bao thể phổ biến trong hổ phách tự nhiên, bên trái là các bọt khí, bên phải là xác một con côn trùng. Tuy nhiên trong plastic giả hổ phách cũng có thể có các bao thể này. Hình của John Koivula.

 

Hình 7: Các bao thể dạng đĩa lóe sáng là bằng chứng của xử lý nhiệt để làm tăng độ trong của hổ phách. Hình của Nicholas Delre.

Hổ phách đôi khi được nhuộm màu khác nhau hoặc được nung nhiệt để màu đậm hơn. Xử lý nung nhiệt hổ phách ngâm trong dầu giúp làm trong hổ phách đục (hổ phách có mây). Hổ phách xử lý nhiệt có thể có xuất hiện các bao thể dạng mặt nứt hình đĩa sáng, có người còn gọi các mặt nứt này là đĩa mặt trời do có sự lóe sáng (hình 7).

Copal: Copal thực tế là hổ phách “non”, thành phần vật chất của nó thì giống hổ phách nhưng tuổi thì trẻ hơn rất nhiều. Giống như hổ phách, copal cũng từ trong mờ đến trong suốt, có màu cam, vàng và nâu (hình 8). Chiết suất đơn của nó là 1,54 và phản ứng khúc xạ kép bất thường mạnh là các đặc tính nhận diện. Cũng giống như hổ phách, nó cũng biểu hiện những phản ứng do biến dạng. Bề mặt của nó thường bị rạn.

 

Hình 8: Copal nhìn rất giống hổ phách. Xác định copal bằng cách thử phản ứng với axêton. Hình của Maha Calderon.

Copal phân biệt với hổ phách bằng cách nhỏ một giọt axêton lên một điểm trên mặt vùng phụ (để không làm hỏng mặt chính). Hóa chất sẽ làm mềm copal từ 2 đến 3 giây, còn hổ phách thì không phản ứng hoặc rất nhẹ. Đây là phương pháp làm hỏng mẫu, trước khi thử phải xin phép chủ nhân. Phương pháp điểm nóng cũng hữu dụng để xác định copal vì nó cũng tiết ra mùi thơm nhựa cây khi tiếp xúc nhiệt.

 

Hình 9: Plastic giả rất giống hổ phách khi có thêm các bao thể là xác các côn trùng. Hình của Maha Calderon.

Plastic: Có nhiều loại vật liệu nhân tạo thay thế hổ phách làm từ plastic (nhựa tổng hợp), nhưng cũng có nhiều cách để phân biệt chúng với vật liệu tự nhiên. Plastic thường có đủ các màu để giả hổ phách tự nhiên. Chúng thường trong suốt và có bọt khí, tuy nhiên cũng có loại giả rất giống hổ phách vì trong khi sản xuất, người ta bỏ thêm các con côn trùng vào trong plastic (hình 9).

Có thể dễ dàng phân biệt hổ phách với plastic nhờ mùi thơm nhựa cây mạnh của hổ phách, khác hẳn với mùi khét của plastic khi thử bằng cách nung nhẹ hoặc cho đầu nhỏ của que nung nóng tiếp xúc chúng (gọi là phương pháp điểm nóng). Tuy nhiên phải cẩn thận khi dùng những phương pháp này vì nhiệt tiếp xúc quá cao hay quá lâu sẽ phá hủy mẫu.

Hổ phách có tỷ trọng là 1,13, đặc biệt nổi trên dung dịch nước muối bão hòa, còn plastic thường chìm xuống vì tỷ trọng lớn hơn. Hổ phách thường phát huỳnh quang màu lục phớt vàng dưới cả hai tia cực tím sóng dài và sóng ngắn; plastic thì hiếm khi phát quang màu như thế. Hổ phách chỉ có một chiết suất, nhưng khi quan sát dưới ánh sáng phân cực thì thấy chúng có khúc xạ kép bất thường mạnh và có màu do biến dạng, dù biến dạng cũng có thể tạo nên những hiệu ứng khác. Đặc biệt, sự biến dạng thường hiện diện xung quanh các bao thể, còn ở plastic thì xung quanh các bao thể giả thường không có biến dạng.

Hình 10: Hình trên cùng là khối nhỏ plastic giả hổ phách thấy màu vàng cam. Hình dưới, phóng đại thấy màu plastic là vàng, còn màu cam là do tẩm vào các khe nứt. Hình của GĐRV SJC.

Đầu tháng 7, GĐRV SJC có nhận giám định một khối nhỏ vật liệu trong suốt màu vàng cam khoảng hơn 1 tấc dài, chủ hàng gọi nó là hổ phách tự nhiên.

Qua kiểm tra, khối này có các đặc điểm giống hổ phách là màu sắc, độ trong, cũng biểu hiện màu biến dạng dưới ánh sáng phân cực và không phản ứng với axêton. Tuy nhiên một số đặc điểm chứng tỏ nó không phải là hổ phách. Tỷ trọng của nó 1,24 thì nặng hơn hổ phách tự nhiên. Đá chỉ có các bọt khí mà không có các bao thể tự nhiên. Khi chiếu tia cực tím, nó phát huỳnh quang màu xanh phấn trắng rất mạnh, khác hẳn hổ phách. Thử bằng phương pháp điểm nóng, nó phát ra mùi khét của nhựa tổng hợp. Khối vật liệu này có nhiều khe nứt lớn, mặt nứt còn dính chất tẩm màu cam. Kết luận, đó là khối plastic màu vàng được tẩm màu cam để làm giả hổ phách (hình 10).

Ambroid: Các nhà sản xuất cũng tạo ra các khối lớn hổ phách bằng cách dùng lực và nhiệt ép các mảnh nhỏ dính vào nhau. Vật liệu mới có thể gọi bằng một trong các tên như ambroid (hổ phách tổng hợp), hổ phách ép, hổ phách liên kết hoặc hổ phách tái sắp xếp. Dưới kính phóng đại, ambroid cho thấy độ sạch thay đổi tại ranh giới các mảnh nhỏ hoặc các bọt khí kéo dài hay biến dạng tạo ra do quá trình sản xuất.   

Hổ phách là loại đá dễ bị làm giả, khi mua bán nên xem xét kỹ để tránh bị nhầm.

Các tin khác