Bản tin tháng 09/2014

Hemimorphite Từ Trung Quốc

Tại hội chợ đá quý Tucson năm 2012, ông Marco Campos-Venuti (Seville, Spain – Tây Ban Nha) có trưng bày một số viên hemimorphite mới được khai thác gần đây từ Trung Quốc. Bộ sưu tập của ông gồm 100 viên mài cabochon với nhiều hình dạng như oval, nêm, giọt và gần tròn, kích thước lớn nhất lên đến 30 x 11 mm. Theo ông Campos-Venuti, chúng được đánh bóng từ ~3 kg khoáng vật thô. Hầu hết các hemimorphite thường tạo ra các lớp vỏ phủ xù xì và có màu xanh phớt lục nhạt. Ông chỉ mua được một mẫu (hơn 1 kg) có màu xanh đậm đặc biệt, bao gồm một mạch dày khoảng 1 cm được bao quanh bởi đá nền dạng limonite lỗ rỗng. Khi cắt mài khoáng vật xù xì nhạt màu này, ông nhận thấy rằng màu đẹp hơn nằm dưới bề mặt cho nên ông yêu cầu đánh bóng thật kỹ cho dù phải tiêu tốn nguyên liệu để có màu đẹp.

Hình 1: Viên đá hemimorphite cabochon dạng giọt nặng 6,62 ct này từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Quà tặng của ông Marco Campos-Venuti, bộ sưu tập GIA no. 38534; ảnh chụp của Robert Weldon.

Viên cabochon mài dạng giọt trong hình 1 nặng 6,62 ct và có màu xanh rực rỡ. Kiểm tra dưới kính hiển vi ngọc học thấy có nhiều khe nứt và cấu trúc dãy bó sợi. Mặt sau của viên cabochon này còn chứa một lớp tinh thể nền nhưng không xác định được bằng phổ Raman. Giá trị chiết suất điểm RI là 1,61 – 1,62, tỉ trọng thủy tĩnh SG thì khá thấp, 3,13 (có vẻ như do sự hiện diện của vật liệu nền). Mẫu đá này trơ dưới cả UV sóng ngắn lẫn sóng dài và không có vạch hấp thu nào được nhìn thấy bằng phổ kế để bàn. Phổ huỳnh quang tia X phân tán nặng lượng – EDXRF thấy một lượng lớn nguyên tố Zn và Si, một lượng nhỏ Cu và Na. phân tích Raman cũng xác nhận nó là hemimorphite. Ngoại trừ giá trị tỉ trọng SG thấp, các đặc điểm ngọc học khác đều phù hợp với khoáng vật hemimorphite được ghi nhận trong tạp chí G&G Fall 2002 (xem phần GNI, trang 263 – 264 và Lab Notes, trang 254).

Ông Campos-Venuti cho biết rằng viên hemimorphite Trung Quốc này được khai thác trong khoảng thời gian từ 2008 và 2011, từ mỏ thiếc Gejiu thuộc tỉnh Vân Nam. Điều thú vị là đá nhái hemimorphite là thủy tinh bị hóa mờ một phần đã xuất hiện trên thị trường trong cùng thời gian trên và đã được ghi nhận là đang được bán bởi các nhà buôn đồ cổ người Trung Quốc (xem phần GNI, quyển G&G Summer 2012, trang 153).

(Theo Jason Darley (jdarley@gia.edu), GIA, New York trong Gem News International, quyển G&G Fall 2012)

 

Thông Tin Mới Về Các Mỏ Đá Quý Và Thị Trường Mua Bán Ở Mogok

Từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 2012, tác giả có đi tham quan các mỏ đá quý đang hoạt động và xem xét thị trường mua bán ở vùng Mogok của Myanmar dưới sự dẫn đường nhiệt tình của sinh viên trường đại học Taunggyi.

Hình 2: Mỏ lộ thiên tại Ingaung khai thác ruby và sapphire, có nguồn gốc từ mỏ thứ sinh. Ảnh của U T. Hlaing.

Gần Kyatpyin và Ingaung, cả hai mỏ nguyên sinh và thứ sinh này đang được khia thác trên một khu vực rộng lớn. Tại mỏ Ingaung (22o54’10” Bắc, 96o24’11” Đông) ruby và sapphire được khai thác từ mỏ thứ sinh trong một hầm mỏ mở sâu 15 m (hình 2). Máy xúc và xe ben tự đổ được dùng để vận chuyển đất đá chứa khoáng vật quý đến nhà máy rửa quặng gần đó. Một mỏ thứ sinh khác ở Shwe Pyi Aye (22o55’22” Bắc, 96o29’25” Đông) khai thác ruby, sapphire, spinel, tourmaline đen và apatite. Do tình trạng thiếu nước nên một đống lớn đất chưa được rửa hiện vẫn còn lưu giữ trong kho. Đoàn tham quan còn ghé các mỏ khác như Kyautsaung (mỏ ruby nguyên sinh, hình 3) và mỏ thứ sinh Kin-Chaung, những nơi này các máy bom sỏi và thiết bị rửa quặng được dùng để tìm kiếm sapphire.

Hình 3: Đá hoa chứa ruby được dự trữ để gia công ở khu gần làng Kyautsaung. Ảnh của U T. Hlaing.

Ở gần ngôi làng Bawbadan, mỏ ruby Dragon (22o56’03” Bắc, 96o23’12” Đông), đây là một mỏ nguyên sinh với đá chủ là đá hoa chứa tổ hợp khoáng vật ruby, spinel, tourmaline, apatite, sphene và pyrite. Đới chứa ruby rộng từ 1,5 – 2,4 m và sâu hơn 180 m; khu mỏ này được hoạt động với 245 m đường hầm. Hàm lượng khoáng trung bình là 4 g ruby trên 1 tấn đá hoa. Ruby cũng là khoáng khai thác chính ở một mỏ nguyên sinh khác, nằm gần làng Bawlonggyi (22o54’56” Bắc, 96o23’57” Đông), mỏ này chủ yếu khai thác dưới mặt đất.

Hình 4: Ruby và sapphire hình bên trái được nhìn thấy tại Mogok, ngoài ra còn các khoáng vật xử lý lấp đầy thủy tinh từ Tanzania; các viên cabochon nặng từ 3 – 10 ct. Vòng hackmanite, hình bên phải được chào bán tại chợ đá quý gần rạp chiếu phim Mogok. Ảnh chụp của U T. Hlaing.

Các khoáng vật quý được bày bán gần rạp chiếu phim Mogok, tại đây cũng có bán các đá ruby xử lý lấp đầy thủy tinh ở dạng đá thô và mài giác; ngoài ra còn có sapphire hồng – được cho là có nguồn gốc từ Tanzania (hình 4, trái). Tại chợ này còn có bán các vòng đeo tay bằng đá hackmanite (hình 4, phải). Nhìn chung, việc mua bán tại thị trường đá quý ở trung tâm của thành phố thì chậm.

Hiện tại, các thợ mỏ địa phương làm việc tại các khu đất nhỏ ở Mogok, họ được phép khai thác độc lập dựa trên sự cho phép của Bộ Khoáng Sản. Khoảng 500 lô đất được phê duyệt cho khai thác với một số vốn tài trợ hạn chế. Việc sử dụng máy móc là không được phép, do sự bắt buộc của chính phủ.

(Theo U Tin Hlaing, Khoa Địa Chất (đã nghỉ hưu), trường đại học Panglong, Myanmar trong Gem News International, quyển G&G Fall 2012)

 

Đá Mặt Trăng Cầu Vồng Từ Madagascar

Hình 5: Đá mặt trăng cầu vồng (1,82 – 7,62 ct) từ Madagascar. Ảnh chụp của Robert Weldon.

Đá mặt trăng cầu vồng nổi tiếng nhất là từ India - Ấn Độ (xem phần Gem News, quyển G&G Summer 1997, trang 144 – 145) nhưng gần đây loại khoáng vật này từ hai vùng khá mới là Zambia (xem phần GNI quyển G&G Summer 2012, trang 146 – 147) và Madagascar (hình 5) cũng đã được bày bán tại hội chợ đá quý Tucson 2012. Đá từ Madagascar được chào bán bởi Paul Dragone (Boston Gems, Boston, Massachusetts), ông cũng đã cho GIA mượn một viên nặng 4,41 ct để nghiên cứu. Ông Dragone lần đầu tiên nhìn thấy khoáng vật thô này là tại hội chợ đá quý Tucson 2011. Ban đầu, từ 12 mẫu đá thô nặng khoảng 3 g mỗi viên, ông cắt mài được hơn 12 viên dạng cabochon, có viên nặng đến 7,11 ct. Sau đó ông mua thêm được một lô khoáng vật thô khác và ông mài được 35 viên dạng cabochon với trọng lượng trung bình khoảng 3 ct mỗi viên.

Đặc điểm ngọc học của viên hình nệm cabochon 2 mặt nặng 4,41 ct như sau: màu – gần không màu, nhưng có hiệu ứng óng ánh các màu cam, vàng, lục, xanh và tím phớt xanh; độ trong suốt – trong; chiết suất điểm RI – 1,56; tỉ trọng thủy tĩnh SG – 2,69; và phát quang – trắng yếu dưới chiếu xạ cực tím UV sóng dài và đỏ yếu dưới UV sóng ngắn. Không có vạch hấp thu nào được nhìn thấy khi quan sát bằng phổ kế để bàn. Các đặc điểm này phù hợp với những báo cáo trước đây về plagioclase (M. O’Donoghue, Gems, tái bản lần 6, Butterworth-Heinemann, Oxford, UK, 2006, trang 259 – 269) và nó cũng giống với đá mặt trăng cầu vồng (andesine – labradorite) mới được ghi nhận gần đây từ Zambia. Quan sát dưới kính hiển vi ngọc học thấy song tinh đa hợp, đặc điểm đặc trưng của plagioclase, ngoài ra còn thấy các tàn dư dạng “dấu vân tay” nhỏ và nhiều mây dạng sương mù phản chiếu nằm rải rác. Nhiều mây dạng này nằm định hướng dọc theo các mặt song tinh.

Phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng – EDXRF ghi nhận sự hiện diện của Al, Si, Ca và Na (phù hợp với plagioclase), ngoài ra còn một lượng nhỏ Fe, Sr và Ba. Dữ liệu phổ khối – plasma kép cảm ứng – bắn laser (LA-ICP-MS) cho thấy rõ nó ở khoảng giữa trong chuỗi plagioclase từ albite và anorthite, trên ranh giới andesine/labradorite với dãy thành phần như sau Ab48,6-51,7An49,8-46,8Or1,6-1,5.

Hình 6: Viên đá mặt trăng cầu vồng này nặng 4,41 ct có hiệu ứng óng ánh trắng xanh gợn sóng nguồn sáng di chuyển trên viên đá (trái, phóng đại 8x). Bên phải (11x), ánh sáng thị trường tối nhìn thấy các màu quang phổ và song tinh đa hợp. Ảnh chụp hiển vi của Claire Ito.

Các màu sắc cầu vồng này được nhìn thấy tốt nhất trên nền tối của ánh sáng thị trường tối (hình 6) nhưng chúng cũng dễ thấy dưới ánh sáng dẫn truyền. Ngoài ra, hiệu ứng óng ánh màu trắng xanh gợn sóng được tạo ra từ nguồn sáng đèn sợi quang chiếu trên đá sẽ thấy màu cam trội hơn những màu khác và nhìn thấy rõ nhất khi nguồn sáng chiếu vuông góc với các mặt song tinh. Mặt khác, các mặt song tinh thay đổi từ tối sang sáng tùy thuộc vào hướng của nguồn sáng. Khi xem viên đá dọc chiều dài của nó – đặc biệt là khi xem dưới độ phóng đại và đèn sợi quang tập trung sát bề mặt – thì nó có vẻ ngoài lù mù sương, phù hợp với ánh sáng phân tán thường đi kèm hiện tượng óng ánh màu trắng xanh.

Đá mặt trăng loại thường (orthoclase) có màu óng ánh trắng đến xanh được cho là do hiện tượng tán xạ Rayleigh của ánh sáng từ quá trình phân tách của albite bên trong cấu trúc feldspar kali (E. Fritsch và G. R. Rossman, “Cập nhật thông tin về màu sắc trong đá quý, phần 3: Màu được tạo ra bởi các dãy ngắt quãng và hiện tượng vật lý”, quyển G&G Summer 1988, trang 81 – 102). Hiệu ứng labrador là hiện tượng giao thoa có thể nhìn thấy trên đá labradorite do sự nhiễu xạ ánh sáng từ quá trình phân tách phiến mỏng do sự thay đổi hàm lượng Ca, có khả năng tạo ra nhiều màu trong dãy quang phổ; bề dày tương đối và chỉ số chiết suất khác nhau của các phiến mỏng đá quyết định các màu được nhìn thấy (Fritsch và Rossman, 1988). Viên đá mặt trăng này (andesine-labradorite) có các màu cầu vồng là kết quả từ sự pha trộn hiệu ứng giữa labrador và óng ánh màu trắng xanh.

(Theo Claire Ito (cito@gia.edu), GIA, New York trong Gem News International, quyển G&G Fall 2012)

 

Muscovite Màu Vàng Từ Brazil

Hình 7: Viên đá mica màu vàng mài giác đặc biệt này (3,52 ct) là từ Itinga, Brazil, được xác định là muscovite. Quà tặng của ông Mauro Pantò cho bộ sưu tập GIA, số hiệu 38533; ảnh chụp của Robert Weldon.

Muscovite – mica hiếm khi được mài giác do nó quá mềm (độ cứng Mohs là 2½) và tính cát khai nhưng hoàn toàn các kết tập mica dính chặt nhau có màu hấp dẫn thì vẫn được mài bóng thành các hạt hoặc chạm khắc, objets d’art – điêu khắc nghệ thuật hoặc thậm chí là mài giác. Tại Hội Chợ Đá Quý Tucson 2010, một viên mica màu vàng chất lượng quý từ mỏ Itinga thuộc đới pegmatite Araçuaí, Minas Gerais, Brazil lần đầu tiên được trưng bày (hình 7). Nó được một đại thương gia bán với tên gọi là lepidolite màu vàng hoặc là muscovite (M. Macrì, “Lepidolite gialla di qualità gemma”, Rivista Gemmologica Italiana, Vol. 5, No. 3, 2010, trang 234 – 235). Một viên mài giác và cabochon đã được ông Mauro Pantò (The Beauty in the Rocks, Laigueglia, Italy) tặng cho bộ sưu tập của GIA. Ông Pantò có cắt mài khoảng 1.000 carat đá mài giác và 2.000 carat dạng cabochon, với trọng lượng từ 4 đến 12 ct.

Viên mài dạng cabochon được phân tích hóa tại Trường Đại Học New Orlearns. Dữ liệu từ máy vi dò điện tử cho biết nó chứa 0,31 wt.% (phần trăm trọng lượng) FeO; 0,18 wt.% MnO; và 0,03 wt.% TiO2; phân tích plasma trực tiếp hai lần chỉ ghi nhận được 0,32 wt.% Li2O. Dữ liệu phân tích hóa này xác định mẫu này là muscovite. Một mẫu tương tự cũng được phân tích cả phổ phản xạ gương và phổ truyền dẫn trong vùng nhìn thấy được tại học viện Công Nghệ California. Các dãy hấp thu Fe và Mn cũng được ghi nhận với cường độ yếu. Màu vàng do sự hấp thu tăng vọt đối với vùng màu xanh và cực tím của dãy phổ, nằm giữa 400 và 500 nm (hình 8), chúng làm thay đổi ánh sáng phản xạ và truyền dẫn tới vùng tông màu đỏ rồi xuyên qua màu lục làm cho mắt ta thấy màu vàng. Việc hấp thu tăng vọt ở vùng có bước sóng ngắn hơn thì thường thấy đối với các loại mica màu nâu trong khi đó viên muscovite màu vàng này có hàm lượng Fe và các nguyên tố khác rất thấp do đó màu được nhìn thấy là màu vàng chứ không phải là màu nâu.

Hình 8: Phổ trong vùng nhìn thấy được của viên muscovite vàng (độ dày mẫu là 1mm) cho thấy có sự hấp thu tăng vọt trong khoảng 400 và 500 nm. Sự thay đổi ánh sáng phản xạ và truyền dẫn tới vùng tông màu đỏ rồi xuyên qua màu lục làm cho mắt ta thấy màu vàng.

Khoáng vật mica có thể mài giác là rất hiếm. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt như muscoviet màu hồng từ Brazil, màu hồng là do sự hiện diện của Mn (phần GNI quyển G&G Spring 2006, trang 65 – 66) và muscovite màu lục từ Tanzania, màu là do Cr qui định (J. Hyršl, “Muscovite màu lục emerald được dùng làm đá quý”, Gemmologie: Zeitschrift der Deutschen Gemmologischen Gesellchaft, Vol. 59, No. ¾, 2010, trang 109-110). Ngoài ra, tại Hội Chợ Đá Quý năm 2010 ở Teófilo Otoni, Brazil, một viên mica màu tím có độ trong từ trong đến trong mờ (được cho là khoáng lepidolite) từ vùng pegmatite Araçuaí đã được trưng bày cho công chúng xem. Mặc dù tại hội chợ lần này viên mica màu vàng chỉ được bán dưới dạng mẫu khoáng vật nhưng sẽ không có gì là ngạc nhiên khi nhìn thấy loại này được mài giác trong thời gian tới. (Theo Brendan M. Laurs, George R. Rossman, California Institute of Technology, Pasadena; Michele Macrì, Museo di Mimeralogia, Universitá “La Sapienza”, Rome, Italy và William B.

(Skip) Simmons and Alexander U. Falster trong Gem News International, quyển G&G Fall 2012)

 

Opal Màu Xanh Từ Arizona Có Hiệu Ứng Đốm Màu Nhấp Nháy

Hình 9: Opal xanh – đôi khi có hiệu ứng đốm màu nhấp nháy – hình thành cộng sinh với các khoáng khác trong các mẫu đá từ mỏ Southern Skies, Arizona. Các mẫu được khảo sát cho báo cáo này gồm lát mỏng đánh bóng một phần (trên cùng, 109,67 x 89,84 x 28,83 mm) và viên cabochon dạng tự do màu xanh phớt xám nhạt (bên dưới, thứ 2 từ phải qua, 16,99 ct). Ảnh chụp của Jeff Scovil.

Tại Hội Chợ Đá Quý Tucson năm 2012, một viên opal màu xanh lần đầu tiên được trưng bày đến từ vùng mỏ Southern Skies, miền Bắc Arizona. Khoáng vật này được chào bán bởi Greg Genovese và Vincent Gulino – Công ty Southern Skies Opal (Tubac, Arizona), họ khẳng định loại opal này đã được biết đến từ 2 thập kỷ trước nhưng chỉ mới khai thác nhiều từ năm 2011. Mỏ này nằm trong vùng núi xa xôi hẻo lánh, nơi này chỉ có thể đi được bằng xe ô tô 4 bánh vượt địa hình và được khai thác bằng xà beng và các công cụ cầm tay khác. Đá opal này hình thành trong các dòng dung nham rhyolite cứng chắc và một bước đột phá quan trọng trong việc khi khoáng là sử dụng Dexpan (một chất trương nở) để phá hủy các đá cuội chứa opal mà không làm vỡ các khoáng vật quý. Hầu hết các sản phẩm khai thác trong vùng mỏ này đều chứa các họa tiết như tranh, trong đó có cả loại opal xanh có hoạt tiết như tranh trong hầu hết đá nền màu nâu. Khoảng 30% opal đẹp có dãy màu từ xanh sáng vừa đến xanh tối và 10% opal này có hiệu ứng đốm màu nhấp nháy. Hàng ngàn carat opal đã được đánh bóng với nhiều hình dạng khác nhau.

Có 03 viên được đưa đến GIA để giám định, chúng đặc trưng cho các khoáng vật được khai thác từ mỏ này (hình 9). Một viên nặng 16,99 ct với dạng cabochon tự do có các đặc điểm sau: màu sắc – xanh có điểm các đốm phớt xám nhạt; độ trong – bán trong mờ; chiết suất điểm RI – 1,45; tỉ trọng thủy tĩnh SG – 2,23; và phát quang – xanh yếu dưới chiếu xạ UV cực tím sóng ngắn và dài. Kiểm tra dưới kính hiển vi ngọc học thấy đặc điểm mây với hiệu ứng đốm màu nhấp nháy và 2 vết nứt bị sắt oxy hóa. Một viên cabochon hình giọt nước nặng 43,69 ct có đặc điểm như sau: màu sắc – hồng, nâu và xanh có đốm màu phớt cam; độ trong – trong mờ đến bán trong mờ; chiết suất điểm RI – 1,45; 1,47; 1,49 và 1,54 khi đo ở nhiều vị trí khác nhau trên mẫu; SG – 2,44; và phát quang – trơ dưới chiếu xạ cực tím UV. Một lát mỏng đánh bóng một phần nặng 329,30 g với kích thước 109,67 – x 89,84 – x 28,83 mm có đặc điểm là: màu sắc – đan xen nhiều dãy màu xanh nhạt, nâu nhạt và trắng; độ trong – bán trong mờ đến đục; phát quang – vàng vừa dưới UV sóng ngắn và xanh vừa dưới UV sóng dài. Kiểm tra dưới kính hiển vi ghi nhận cấu trúc dãy giống agate và vài chỗ chứa các hạt không màu dạng hình tròn.

Các giá trị chiết chuất RI khác nhau được ghi nhận từ viên dạng cabochon giọt nước cho phép suy đoán ngoài sự hiện diện của opal còn có các pha silic khác nữa và phổ Raman đã xác định có sự hiện diện của thạch anh và cristobalite – một dạng đa hình của thạch anh ở nhiệt độ cao. Không nhìn thấy đỉnh phổ của opal (830 cm-1), có thể là do nó bị phủ chồng bởi đặc trưng phổ của cristobalite. Phổ Raman của lát mỏng có đánh bóng một phần xác định sự tồn tại của chalcedony và opal, ngoài ra còn có bao thể khoáng ludwigite (Mg2FeBO5) – khoáng vật hệ thoi màu xanh đen nhạt, đồng hình với vonsenite. Nhìn chung màu nâu và xanh của khoáng vật vùng này – và có sự hiện diện của tổ hợp khoáng opal, thạch anh và cristobalite – thì tương đồng với các mẫu từ Brazil, đã được báo cáo trong phần GNI, quyển G&G Winter 2007 (trang 379 – 380).

Không có mẫu opal nào cho thấy có dấu hiệu xử lý. Công ty này cho biết rằng hầu hết các khoáng vật này thì không có xử lý, mặc dù có một vài cấu trúc bề mặt giống như đã được xử lý quang học. Việc khai thác các khoáng vật thú vị này được dự kiến sẽ là nguồn thu chủ lực của mỏ.

(Theo Dino DeGhionno (ddeghionno@gia.edu) và Brendan M. Laurs, GIA, Carlsbad trong Gem News International, quyển G&G Fall 2012)

Các tin khác