Kim cương cắt mài kiểu Princess-Plus lộng lẫy và sang trọng hơn
Trên thế giới, kim cương được cắt mài theo nhiều kiểu và nhiều hình dạng. Ngày nay công nghệ cắt mài ngày càng tân tiến và chính xác, giúp nghệ nhân thỏa sức sáng tạo các kiểu cắt mới hoặc biến thể phức tạp từ các kiểu cắt cũ, mài được nhiều mặt giác hơn trên một bề mặt nhỏ làm cho viên kim cương tăng thêm độ sáng và rực lửa. Mỗi kiểu cắt có một vẻ đẹp riêng, trong đó kiểu cắt Công chúa (Princess) mang nét trẻ trung và sang trọng.
Kiểu cắt Princess cơ bản (hình 1) có dạng hình vuông hoặc chữ nhật ngắn và có khoảng 57 mặt giác (21 giác trên, 32 giác đáy, 4 giác gờ). Số mặt giác có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo nơi mài.
EFD là công ty mài và kinh doanh kim cương lớn thứ 5 của Israel, là công ty cung cấp kim cương mài theo kiểu Princess nhiều nhất thế giới. EFD đã biến thể kiểu cắt Princess thành Princess-Plus (hình 1), nghĩa là đã thay đổi một số mặt giác và tăng lượng mặt giác lên đến 101. Phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn để mài hết số mặt giác ấy. Khi được cắt đúng tỷ lệ và tính cân đối cao thì độ rực rỡ và chiếu sáng đạt gần như tối đa, tăng hơn kiểu Princess đến 15 – 20% (hình 2 và 3). Trong hình 2, ta nhìn thấy ở viên kim cương bên trái có kiểu cắt Princess-Plus phản chiếu rất nhiều mặt giác nhỏ và lửa mạnh hơn viên bên phải có kiểu cắt Princess. Trong hình 3, xem viên Princess-Plus, ánh sáng sau khi đi vào viên đá, khúc xạ và rồi quay trở lại mắt chúng ta nhiều hơn, làm ta thấy viên đá sáng hơn và lửa mạnh hơn viên Princess bên phải.
Khi gắn kim cương các kiểu Princess vào vỏ thì người thợ sẽ hết sức cẩn thận vì phải bảo vệ 4 góc vuông là phần có thể bị mẻ hoặc nứt khi va chạm mạnh. Tuy nhiên khi đã yên vị trong nữ trang thì sức mê hoặc, vẻ trẻ trung và lôi cuốn của kim cương Princess chắc chắn sẽ làm bạn rất hài lòng.
Kim cương tổng hợp là gì ?
Kim cương tổng hợp (KCTH) là kim cương giả cao cấp, được tăng trưởng trong môi trường nhân tạo, nhưng có cùng thành phần hóa học và cấu trúc tinh thể như là kim cương tự nhiên. Các tính chất hóa lý, quang học của KCTH giống hệt kim cương tự nhiên.
Trước kia, mục đích chính sản xuất KCTH là để phục vụ trong các ngành kỹ nghệ. 30 năm trở lại đây, KCTH có chất lượng quý đã được sản xuất thành công ở Nhật, Nam Phi, Nga, Ukraine và Mỹ nhưng chỉ với số lượng nhỏ.
Hiện nay KCTH được chế tạo theo một trong hai cách chính:
- Phương pháp nhiệt độ cao áp suất cao (HPHT)
- Phương pháp tích tụ hơi hóa học (CVD)
KCTH khác hẳn các loại đá giả kim cương khác như Cubic Zirconia thường gọi là hột Mỹ, hột Thái, hột Úc… (xoàn Mỹ, xoàn Xiêm, xoàn Úc…) hoặc loại cao cấp hơn là Moissanite. Những đá giả kim cương này có tính chất hoá lý và quang học hoàn toàn khác với KCTH, và người có kinh nghiệm có thể nhận diện chúng dễ dàng.
Về giá trị, đương nhiên kim cương thiên nhiên cao hơn rất nhiều so với các loại đá giả. So sánh tương đối giá trị của chúng từ cao đến thấp như sau:
Kim cương tự nhiên > Kim cương tổng hợp > Moissanite > Cubic Zirconia (hột Mỹ)
Hột Mỹ có giá trị cực thấp, nhìn phớt qua trông rất giống kim cương, đã được sử dụng rất nhiều trong nữ trang bạc, vàng trắng mang tính thời trang và giá rẻ.
Kim cương tổng hợp HPHT là gì ?
Là kim cương nhân tạo được tổng hợp bằng phương pháp nhiệt độ cao và áp suất cao (HPHT : High Pressure High Temperature), trên thế giới chỉ có vài công ty chế tạo thành công. Phương pháp này sử dụng thiết bị chịu được nhiệt độ và áp suất rất cao để tạo môi trường tăng trưởng giả lập theo môi trường mà kim cương tự nhiên hình thành ở sâu trong lòng đất. Người ta đã tạo ra được KCTH với một số màu như vàng, xanh dương, lục, hồng, đỏ, tím và không màu. Mặc dù các tính chất hóa lý và quang học giống với đá tự nhiên nhưng các chuyên gia kinh nghiệm vẫn có thể xác định được KCTH bằng các thiết bị kiểm định ngọc học.
Kim cương tổng hợp CVD là gì ?
|
Ba viên kim cương tổng hợp VCD có màu nâu và không màu, cân nặng từ trái qua phải là 0.28, 0.14, và 0.31-ct (cỡ từ 3.5 đến 4.5 mm). Hình của Apollo Diamond Inc.
|
Kim cương CVD là kim cương tổng hợp, được chế tạo theo phương pháp tích tụ hơi hoá học (CVD : Chemical Vapor Deposition), kim cương lớn dần lên trong nhiệt độ rất cao nhưng áp suất rất thấp (LPHT). Kỹ thuật này có thể tạo ra các tinh thể kim cương tổng hợp mỏng, màu nâu cho đến gần không màu, chất lượng cao, có thể dùng mài giác dùng trong ngành kim hoàn. Kim cương CVD có các tính chất ngọc học hơi khác với kỹ thuật HPHT truyền thống.
Kim cương CVD, một thách thức đang đến
Nhiều người biết General Electric là công ty đầu tiên sản xuất kim cương tổng hợp (KCTH) dùng trong công nghiệp vào năm 1955. Tuy nhiên ít ai biết là họ đã thực sự bắt đầu sản xuất các lớp mỏng các vi tinh thể của KCTH từ 1952. Mãi đến vài chục năm sau, mới chế tạo được KCTH CVD vi tinh thể và cũng dùng làm sản phẩm công nghiệp.
Từ giữa những năm 1980, khi KCTH HPHT chất lượng quý đã được tạo ra và bán trên thị trường, thì mọi người vẫn chưa tỏ vẻ lo lắng vì sản lượng còn thấp, kích thước nhỏ và hầu hết có màu vàng. Tuy nhiên khi công ty Apollo Diamond ở Boston, Massachusette chế tạo được KCTH CVD chất lượng quý và chính thức tung ra thị trường trong năm 2004 thì người ta bắt đầu lo âu. Về độ sạch (độ tinh khiết) thì chúng thường sạch hơn nhóm HPHT. Về màu, chúng có màu từ thuộc dãy D đến Z hoặc nâu, như vậy là trắng hơn nhóm HPHT. Để phân biệt chúng với kim cương tự nhiên thì phải dùng đến các thiết bị giám định cao cấp và chuyên dùng.
Công ty Apollo Diamond cho biết họ bán ra thị trường khoảng 5.000 đến 10.000 ct (carat) KCTH CVD loại nhỏ từ 0,25 đến 0,33 ct trong năm 2004; loại cỡ 1 ct sẽ được bán trong năm 2005. Cty này cam kết mọi buôn bán của họ đều công khai với tên gọi là KCTH CVD. Để tránh tác động xấu của KCTH CVD đối với thị trường thì các nhà buôn phải chân thật, không lừa gạt khách hàng để có lợi nhuận do KCTH CVD mang đến, vì nếu đánh mất lòng tin của khách hàng là làm hại đến thị trường. Chính phủ các nước cũng nhanh chóng đưa ra quy định nghiêm ngặt đối với việc kinh doanh các loại hàng KCTH để bảo vệ khách hàng.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều KCTH CVD đang là thách thức rất lớn đối với các nhà ngọc học trên thế giới. Họ đang nỗ lực nghiên cứu các tính chất của KCTH CVD và sử dụng các thiết bị giám định cao cấp để tìm ra các phương pháp và các tiêu chuẩn xác định chúng. Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) cũng tuyên bố là sẽ nhanh chóng công bố các tiêu chuẩn xác định KCTH CVD.
Tập đoàn De Beers, người khổng lồ khai thác
và kinh doanh kim cương thô
Tập đoàn De Beers gồm một loạt các công ty chuyên khai mỏ và kinh doanh kim cương thô có trụ sở chính ở Luân Đôn, Anh và Johannesburg, Nam Phi. Đã từ lâu, tập đoàn này gần như độc chiếm thị trường kim cương, chỉ mới sau này các nhà đầu tư Israel mới giành được 20% thị phần. Thị trường kim cương Mỹ là lớn nhất thế giới, hàng năm tiêu thụ kim cương trong kỹ nghệ khoảng 500 triệu USD, và kim cương trong nữ trang khoảng 60 tỷ USD.
Vì nguồn lợi từ kim cương quá lớn nên nhiều năm nay ở châu Phi đã phát sinh buôn lậu kim cương và những cuộc chiến khốc liệt giữa các phe nhóm, bộ tộc để tranh giành quyền lực do đó người ta đã gọi các cuộc xung đột ấy là “kim cương máu”. Để giữ uy tín, De Beers không dính dáng đến kim cương máu ấy, và De Beers chỉ bán kim cương do họ khai thác, chủ yếu ở Nam Phi và Botswana; hiện nay họ đang tham gia một liên doanh khai thác kim cương ở Canada.
Lịch sử thành lập
Thật buồn cười khi công ty De Beers rất nổi tiếng trên thế giới thì người có tên này chưa bao giờ làm chủ hay làm việc ở công ty, câu chuyện như sau:
De Beers được thành lập vào 13/03/1888 bởi Cecil John Rhodes, là một công dân Anh nổi tiếng, rất tham vọng trong việc bành trướng đế quốc Anh tại châu Phi. Đến thế kỷ 20, gia đình Oppenheimer (là công dân Nam Phi, gốc Anh và Do Thái) trở thành cổ đông chính, và nắm chức chủ tịch công ty De Beers.
Tên công ty bắt nguồn từ tên của anh em Johannes Nicholas de Beer và Diederik Arnoldus de Beer, người Nam Phi gốc châu Âu, chủ nông trại Vooruitzicht tọa lạc ngay ngã ba 2 sông Orange và sông Vaal, là nơi mà người dân đã phát hiện kim cương. Hai anh em không thể nào bảo vệ được nông trại trước cuộc đổ xô tìm kiếm kim cương nên phải bán nó với giá 6300 bảng Anh. Hai mỏ kim cương được hình thành trên khu đất này, và người ta đã lấy tên của hai anh em để đặt tên cho một trong hai mỏ ấy, đó là De Beers và Kimberly. Khi Cecil John Rhodes và Charles Rudd nắm quyền kiểm soát thì sát nhập 2 mỏ trên và lập công ty Mỏ Hợp Nhất De Beers.
Gần cuối thế kỷ 19, vì Nam Phi cần nhiều lao động nên De Beers xây dựng nhà tù tư nhân đầu tiên ở đây. De Beers đã cung cấp tài chánh để giam giữ tù nhân và cũng trả tiền cho chính phủ để được phép dùng sức lao động của tù nhân (một hình thức sử dụng nô lệ). Cuối thế kỷ 19, De Beers đã dùng hơn 10.000 lao động mỗi ngày. Đa số tù nhân bị bắt giam do luật phân biệt chủng tộc.
Tiếp thị
Năm 1939, De Beers thực hiện một chiến lược tiếp thị toàn cầu rất thành công với khẩu hiệu “Kim cương là vĩnh cửu – A diamond is forever”, dùng kim cương làm quà tặng trong cưới hỏi và nhiều mục đích lễ hội khác. De Beers đã thúc đẩy tiêu thụ kim cương khi gán cho nó một ý nghĩa hết sức tốt đẹp về tình yêu và sự bất diệt, và nữ trang phục vụ lễ hỏi và cưới lý tưởng nhất là nhẫn kim cương. Chiến dịch quảng cáo thành công và nổi tiếng nhất này là nhờ:
- Trong các phim tình cảm, sử dụng kim cương là quà tặng hôn lễ.
- Tường thuật các câu chuyện, trong đó nhấn mạnh khía cạnh tình yêu của kim cương liên quan đến các nhân vật nổi tiếng.
- Sử dụng các nhà thiết kế thời trang thúc đẩy yêu thích kim cương trên các phương tiện truyền thông.
- Tranh thủ hoàng gia vương quốc Anh trực tiếp quảng bá tiêu thụ kim cương.
“A diamond is forever” do N.W. Ayer & Son đặt ra, là một trong những khẩu hiệu của De Beers thành công nhất trong lịch sử tiếp thị. Kim cương từ lâu đã trở thành món quà đẹp nhất, quý giá nhất biểu hiện cho tình yêu bền vững trên khắp thế giới. Ngoài ra kim cương cũng là món quà giá trị, dễ tặng nhất cho những lý do khác và đã trở thành nét văn hóa của nhiều nơi trên thế giới.
Kinh doanh
Tập đoàn De Beers hiện nay gồm 22.000 nhân viên làm việc tại 19 quốc gia. De Beers vẫn chủ yếu khai thác và kinh doanh kim cương thô. Hiện nay De Beers mở rộng hoạt động bán lẻ nữ trang kim cương cao cấp. Một số công ty con của De Beers:
- De Beers CML (De Beers Consolidated Mines Limited): Chuyên khai thác kim cương thô ở Nam Phi.
- DTC (Diamond Trading Company): Kinh doanh kim cương thô.
- De Beers LV: Liên doanh với công ty LVMH (nhãn hiệu nổi tiếng hàng cao cấp), chuyên bán lẻ nữ trang kim cương ở New York, London, Tokyo, Osaka.
- Các liên doanh khai thác kim cương ở châu Phi và Canada.
Năm 2004, De Beers khai thác được 47.012.044 carats kim cương, và bán được 5,7 tỷ USD, lãi ròng 498 triệu USD. Thị trường lớn nhất của De Beers là Mỹ, châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ, Trung Đông. Hiện De Beers có đến 84 đại lý tiêu thụ kim cương thô trên thế giới. De Beers chiếm khoảng 80% thị phần kim cương thô, phần còn lại là của Israel.