Ngọc trai nuôi P. margaritifera được tẩy thành những màu không phải “màu sôcôla”
Sự tẩy màu của những ngọc trai nuôi P. margaritifera để có được màu nâu đã trở thành phương pháp xử lý phổ biến và được công bố rộng rãi (W. Wang, 2006). Tuy nhiên, hơn một năm qua, Phòng thí nghiệm New York đã nhận giám định hai chuỗi ngọc trai nuôi (đã được chứng minh là từ loài thân mềm P. margaritifera), chúng có màu đặc biệt chứ không phải màu nâu mà đã được xem là bằng chứng của tẩy màu.
|
Hình 8: Chuỗi ngọc nhiều màu này gồm các viên ngọc trai nuôi (10,50-13,50 mm) thuộc loài thân mềm P. margaritifera. Ngoại trừ 1 viên phớt lục, tất cả đều biểu hiện là tẩy màu.
|
Ngọc trai nuôi trong chuỗi thứ nhất (hình 8) có ánh mạnh, bề mặt có đốm vừa phải và độ hòa hợp của chúng cao. Ngọc ở chuỗi thứ hai (hình 9) có ánh rất mạnh, bề mặt có đốm nhẹ và độ hòa hợp rất cao. Sự thay đổi màu sắc ở chuỗi thứ hai thì rộng hơn và rõ hơn. Ngoài “ngọc trai màu sôcôla”, cả hai chuỗi cũng có ngọc trai nuôi với đủ loại màu lạ thường. Ở nhiều viên, màu xám và lục không có sắc và độ bão hòa đặc trưng; một số viên thì có màu nâu phớt vàng hay vàng phớt nâu sắc nhạt lạ thường. Nói chung, các ngọc trai nuôi này thì có màu nóng nhiều hơn và sắc thì nhạt hơn khi so với hầu hết các ngọc P. margaritifera, nhưng màu lại sẫm hơn và lạnh hơn so với ngọc loài P. maxima. Quan sát phóng đại hầu hết ngọc trai nuôi, ta thấy bằng chứng của sự tẩy màu, đó là các đốm hơi bị khô và sự phân bố màu (các đốm và các vệt màu) tiêu biểu như ở ngọc trai nuôi Tahiti đã được tẩy màu nâu, thì giống nhau dù ở một số màu có nhiều sắc màu hơn.
|
Hình 9: Ngoại trừ 2 viên, tất cả ngọc trai nuôi (11,0-13,5 mm) trong chuỗi thứ hai này từ P. margaritifera cũng đều biểu hiện là tẩy màu.
|
Với UV sóng dài, chuỗi thứ hai cũng có một số phản ứng bất thường. Sắc và cường độ phát quang liên quan trực tiếp với sắc và độ bão hòa của màu gốc ở ngọc nuôi: Các viên màu nhạt phát quang màu vàng yếu đến trung bình, các viên màu sẫm thì phát quang màu tối hay trơ. Ngoài ra, các phản ứng có màu phát quang thay đổi trên khắp chuỗi, chúng khác hẳn với phản ứng từ trơ đến phát quang màu nâu phớt đỏ yếu ở ngọc trai nuôi P. margaritifera màu tự nhiên. Một số mẫu phát quang màu vàng, cam hay cam phớt đỏ; một viên phát quang màu vàng-lục rõ.
Phân tích ED-XRF của tất cả các viên trong chuỗi thứ hai phát hiện có canxi và stronti, nhưng không có bạc, điều này chứng tỏ chúng không bị nhuộm màu. Phép đo phổ phản xạ UV-Vis (cực tím-thấy được) cho thấy bằng chứng của sự tẩy màu nâu ở tất cả, trừ 2 viên có màu khác. Trong khi đó mức xử lý áp dụng cho các màu khác thấy có vẻ không rõ bằng mức thường thấy trong “ngọc trai sôcôla”, phép đo phổ phản xạ UV-Vis lại không cung cấp bằng chứng nào để chứng minh điều này.
Tính phổ biến của “ngọc trai sôcôla” dường như đã thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển cùng cách xử lý tẩy màu cho ngọc trai nuôi có màu khác nữa. (Theo Akira Hyatt, Lab Notes 2008)
Fenpat plagiocla có màu lục-xanh có thể là do đồng
Fenpat kali màu xanh đến lục được biết với tên thương mại là amazonit, có màu là do sự phối hợp của bức xạ tự nhiên và hàm lượng vết của chì và nước (A. M. Hofmeister, 1985). Phòng thí nghiệm GIA ở Carlbad California mới nhận giám định 2 viên đá đục, màu lục phớt xanh (hình 10), có kích thước 46,90 x 35,18 x 21,38 mm và 45,38 x 24,05 x 21,69 mm, mà theo quan sát ban đầu, chúng có vẻ giống amazonit. Tuy nhiên, khảo sát kỹ hơn, đá không có kiểu màu dạng đốm mạng lưới được tạo ra bởi sự mọc xen của microclin và anbit, tiêu biểu cho đá amazonit. Thay vào đó là kiểu cấu trúc khối khá đồng nhất. t
|
Hình 10: Phân tích hóa 2 mẫu đá fenpat plagiocla màu lục phớt xanh này (chiều dài nhất 45,38 và 46,90 mm) cho biết màu được tạo ra là do nguyên tố đồng.
|
Lớp bên ngoài là vỏ màu phớt nâu, bên dưới là các lớp và mạch nhỏ của vật liệu màu lục phớt xanh đậm hơn. Chiết suất đo được là 1,54, có thể thuộc đá fenpat plagiocla (oligocla). Phép đo phổ LA-ICP-MS (Phổ khối lượng - Plasma kép cảm ứng – Bắn la-de) và Phân tích EMPA (Phân tích hiển vi điện tử) khẳng định thành phần hóa học rơi vào dãy anbit-oligocla. Phát hiện rất ít kali, cũng không thấy nhiều chì (< 4 ppm – phần triệu). Trái lại, các phân tích cho thấy lượng đồng cao (lên đến khoảng 12.000 ppm). Phải giữ hết sức cẩn thận lúc phân tích để chắc chắn là không có bất kỳ khoáng vật lộ bề mặt nào bị nhầm là fenpat.
Khách hàng Daniel Anderson cho chúng tôi mượn thêm vài mẫu đá thô nữa để kiểm tra, chính những mẫu này đã góp phần khẳng định những phân tích và khảo sát của chúng tôi trước đó. Ông Anderson có dự định mài fenpat plagiocla này và sắp tới sẽ đưa ra thị trường. Ông ấy cho biết đá quý này nằm trong các đá pecmatit bị biến đổi, có tuổi Jura (khoảng 150-200 triệu năm) ở phía bắc bang Nevada. Các kiểm tra tiếp theo đang được thực hiện để xác định xem đồng có đóng vai trò tạo màu không.
Thật lạ khi gặp fenpat có màu lục phớt xanh rõ như thế vậy mà không phải là loại fenpat kiềm (kali) được tạo màu bởi chì. (Theo Aletheo Inns và Christopher M. Breeding, Lab Notes 2008)
Bao thể chứa dầu thô trong thạch anh
Dầu lửa là một vật chất quan trọng nhất trên địa cầu. Vì vậy, các bao thể lỏng chứa dầu tự nhiên đã làm ngạc nhiên các nhà địa chất, nhà ngọc học và các nhà khoa học trái đất hàng chục năm nay.
|
Hình 11: Các bao thể lỏng chứa dầu thô nguyên thủy nằm trong các hốc 3 phương trong đá thạch anh này, có màu lục bất thường mà không phải là kết quả của phát quang ánh sáng lạnh thấy được hay phát quang UV. Thị trường rộng 4,4 mm.
|
Hydrocacbon thường tạo các bao thể lỏng nguyên thủy chứa dầu lỏng tự nhiên và khí mêtan, với nước đôi khi hiện diện dưới dạng một pha lỏng khác không trộn lẫn được. Vật liệu bitum đục màu đen cho đến trong mờ nâu sẫm có thể hiện diện ở dạng pha rắn. Dầu thô lỏng thường vàng, nhưng nó có thể từ gần không màu, đến vàng kim đậm đến cam phớt hồng (giống màu xăng). Nếu tồn tại, nước sẽ bị ép ra ngoài rìa cùng của hốc, còn bọt khí (thường là mêtan) sẽ luôn ở bên trong phần dầu thô lỏng và không ở trong nước.
Một cách xác định là có dầu thô trong bao thể lỏng, đó là dùng đèn sợi quang chiếu bao thể từ bên hông, thì nó sẽ phát sáng màu lục phớt xanh nhẹ đến màu lục. Phản ứng này khác với sự phát huỳnh quang UV sóng dài mà nó cũng thể hiện – thường là màu xanh phấn đến vàng hay rất hiếm là màu cam.
Mới đây, Kevin Lane Smith, một nhà kim hoàn ở Tucson Arizona, cho chúng tôi xem một viên thạch anh đã mài. Với mắt thường, thấy viên đá chứa một ít tinh thể nhỏ góc cạnh màu lục nhạt. Tuy nhiên, dưới phóng đại, vật chất màu lục ấy thực sự là các hốc ba phương nhỏ chứa chất lỏng (hình 11). Khảo sát chi tiết, cho thấy các bao thể này không hề tiếp xúc với các khe nứt nào lộ ra bề mặt. Chiếu tia UV vào viên đá, làm cho chất lỏng phát quang màu xanh phấn. Còn với ánh sáng truyền trực tiếp từ bên hông viên đá, làm cho bao thể lỏng phát sáng màu lục phớt xanh phấn. Từ hai đặc điểm phát quang này, có thể cho rằng những bao thể lỏng này là dầu thô. Màu lục bất thường này không thể xuất hiện do phát quang ánh sáng lạnh hay do bức xạ UV, mà là do ta thấy rõ ràng với sự chiếu sáng thị trường tối và không có bất kỳ màu phấn nào phủ lên. (Theo John I. Loivula, Lab Notes 2008)