Bảng tin tháng 09/2011

Thông Tin Mới Về Ametrine Từ Mỏ Yuruty, Bolivia

Tại hội chợ đá quý Tucson, Hugo Marancenbau (Steinmar Ltd, Santa Cruz, Bolivia) đã cung cấp những thông tin mới về ametrine từ mỏ Yuruty ở Bolivia (xem Summer 2000 phần Gem News, trang 163). Mỏ này lần đầu tiên được khai thác vào giữa thập niên 90 và nằm cách ~50 km về phía Bắc mỏ ametrine Anahí danh tiếng. Việc khai thác ở mỏ Yuruty đã bị gián đoạn, dù vậy sản phẩm này vẫn được tiêu thụ trong suốt 2 năm qua. Quặng này được khai thác bởi ~100 người làm việc dưới mặt đất trong các hầm dài 90 m và 4 hầm rộng đến 200 m. Mỏ này sản xuất trung bình khoảng 40 tấn khoáng mỗi tháng với chất lượng khác nhau, khoảng 3% trong số đó có thể mài giác được. Mặc dù công ty của ông Marancenbau định chỉ bán ametrine ở dạng đá thô nhưng họ đã thử mài giác một vài ngàn carat (mỗi viên nặng 3 – 30 ct) và chúng đã được bán ở hội chợ JOGS. Ông ta cho biết rằng đây là lần đầu tiên ametrine từ mỏ này được bán ở Tucson.

Hình 1: Những viên ametrine này (6,46 – 35,59 ct) mới được khai thác từ mỏ Yuruty ở Bolivia. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Ông Marancenbau đã tặng nhiều mẫu đá thô và nhiều mẫu ametrine mài giác cho bộ sưu tập của GIA. Các viên đá mài giác (hình 1) có nhiều phần màu tím và màu vàng với ranh giới màu sắc nét khi quan sát trực diện một trong số các mẫu đó. Không có viên nào trong số đó có các lớp ám khói đặc biệt trước đây thường hay thấy trong khoáng Yuruty (xem the Summer 2000, mục Gem News)

Nhiều tấn đá thô được dự trữ và bảo quản tốt như khi còn dưới mặt đất và mỏ Yuruty đã trở thành nguồn cung cấp ametrine quan trọng.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)

 

Andradite Từ Trung Quốc

Tại hội chợ AGTA 2009 và 2010 ở Tucson, Eric Braunwart (Columbia Gem House, Vancouver, Washington) chủ sở hữu của các viên andradite mà ông cho là từ một mỏ mới phát hiện ở Trung Quốc. Theo người cung cấp hàng của ông ta cho biết thì khoáng này đầu tiên được khai thác bằng phương pháp thủ công vào cuối năm 2007 ở một vùng hẻo lánh thuộc phía Tây Trung Quốc. Đá thô gồm nhiều tinh thể đẹp, chúng hình như có nguồn gốc từ quặng loại skarn (quặng chứa các tinh thể silicate lớn như amphibol, pyroxen, garnet,… nằm trong các mỏ sulphur và quặng sắt, chúng phát triển trong đá vôi và dolomite). Mặc dù một số thợ mỏ cho rằng nó là “demantoid”, nhưng không có loại garnet nào hiện diện màu lục như thế.

Hình 2: Những viên andradite này (0,30 – 1,58 ct) được cho là từ một mỏ mới ở phía Tây Trung Quốc được sưu tầm để giới thiệu thêm về các cấp màu tiêu biểu của khoáng garnet. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Ông Braunwart cho biết rằng ông đã mài giác được ~5.000 carat từ lô đá thô đầu tiên. Mặc dù vẫn có các viên đá lớn đến 4 ct được cắt mài, nhưng phần lớn đều là các viên nhỏ hơn khoảng 1,5 ct mới có màu đẹp và độ rực chiếu cao. Hầu hết khoáng có trọng lượng trung bình là 0,75 ct (đường kính 5 mm) và có màu vàng phớt lục vừa đến vàng phớt nâu sậm đến nâu và đỏ phớt nâu. Tại xưởng sản xuất của ông Braunwart ở Trung Quốc, những người thợ cắt mài thường tìm kiếm những viên kích cỡ lớn nhất, như thế sẽ đem lại sự hấp dẫn cho viên đá và cắt lại những viên đá quá sậm cho đến khi chúng có vẻ ngoài đẹp nhất.

Sáu mẫu andradite mài giác (0,30 – 1,58 ct; hình 2) cho GIA mượn để mô tả đặc tính và ghi nhận được các đặc điểm sau: màu – vàng lục đến nâu vàng phớt lục; chiết suất – vượt quá giới hạn chiết suất kế cơ bản; tỷ trọng thủy tĩnh – 3,91 (chỉ trên viên đá lớn nhất); và phổ hấp thụ mạnh dưới 450 nm khi quan sát bằng phổ kế để bàn. Những đặc điểm này phù hợp với những gì M. O’Donoghue cho là của đá andradite (Gems, quyển thứ 6, biên soạn bởi Butterworth-Heinemann, Oxford, UK, 2006, trang 206 – 210) ngoại trừ các giá trị tỷ trọng trong ấn bản đó hơi thấp hơn (3,82 – 3,85). Phát quang của các mẫu từ trơ đến đỏ rất yếu dưới UV sóng dài và trơ đến đỏ yếu dưới chiếu xạ UV sóng ngắn. Quan sát dưới kính hiển vi thấy các tinh thể kim loại màu đen nằm rải rác (hình 3), các bao thể dạng kim không màu trong suốt nằm không định hướng và các tàn dư kiểu “dấu vân tay”. Các khe nứt trong hai viên đá có độ nổi thấp cho thấy có dấu hiệu của sự cải thiện độ sạch. Phản ứng của mặt lấp đầy với phương pháp kiểm tra điểm nóng cho thấy hiện diện của một vài loại dầu.

Hình 3: Các bao thể kim loại màu đen nằm rải rác được nhìn thấy trong andradite Trung Quốc. Ảnh chụp hiển vi bởi N. Renfro; phóng đại 60 lần.

Vào mùa xuân năm 2009, người cung cấp hàng của ông Mr. Braunwart đã bán thêm một lô đá thô khác rất giống với khoáng ban đầu. Các mẫu đá lần này nhỏ hơn đáng kể, nhưng người cung cấp còn cho biết rằng sẽ có một lượng khá lớn andradite được sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

(Theo Nathan Renfro (nrenfro@gia.edu) Phòng Giám Định GIA, Carlsbad và Brendan M. Laurs, trong Gem News International quyển G&G Spring 2010)

 

Barite Từ Brazil

Hình 4: Barite từ một mỏ mới ở bang Acre, Brazil hấp dẫn bởi kích cỡ lớn và nhiều màu. Tinh thể có đới màu xanh đặc biệt ở phía dưới bên phải (và một vết gỉ sắt ở phía dưới bên trái); các viên đá mài giác nặng từ 25,9 – 51,7 ct, thuộc bộ sưu tập của Trung tâm đá quý; ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Barite (BaSO4) là một khoáng phổ biến nhưng hiếm khi được mài giác do nó thường đục, độ cứng thấp (Mohs 3 – 31/2) và có 2 hướng cát khai tốt. Vì thế thật ngạc nhiên khi thấy các viên barite kích thước lớn được mài giác, ít tạp chất với nhiều màu khác nhau được trưng bày tại hội chợ đá quý ở Tucson trong năm nay. Những viên đá này được tặng bởi Luciana Barbosa (Trung Tâm Đá Quý, Belo Horizonte, Brazil) tại hội chợ giao dịch mua bán đá quý và trang sức (GJX) và Dilermando Rodrigues de Melo Filho (Geometa Ltda., Governador Valadares, Brazil) tại hội chợ khoáng vật và hóa thạch Arizona (Khách sạn trung tâm thành phố Tucson, trước đây là một dãy các khách sạn nhỏ).

Theo ông Rodrigues thì barite có từ một mỏ mới ở bang Acre thuộc vùng Amazon của Brazil. Ông biết được rằng những viên đá này đã được khai thác vào tháng 8 – 9 năm 2009 bởi những người tìm vàng và đá quý địa phương và thu gom được ~30 kg khoáng vật chất lượng khác nhau. Mặc dù cả 2 người buôn đá quý đều cho rằng chỉ một lượng nhỏ barite được mài giác, nhưng cũng có nhiều viên đá lớn được cắt mài (đến 700 ct) với các màu từ gần không màu đến vàng phớt nâu nhạt (“champagne”) và xám nhạt, lục và xanh. Các ranh giới màu sắc nét được thấy trong một số viên đá 2 màu (hình 4). Tuy nhiên chỉ một số viên 2 màu được cắt mài do khoáng này thường ít có đới màu hay ranh giới màu thường nằm ở gần phần ngoài rìa của tinh thể.

Đến giờ thì tiềm năng sản xuất thêm loại barite thú vị này vẫn chưa được công bố.

(Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)

 

Hanksite: Một Loại Khoáng Quý

Hình 5: Bốn tinh thể đá này (1,3 – 7,0 g) và 02 viên mài giác (5,06 và 8,91 ct) là hanksite từ Searles Lake, California. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.

Tại hội chợ GJX, ông Arthur Birago chuyên gia về đá hiếm (Freakingcat.com, Bangkok) cho trưng bày nhiều viên đá hanksite mài giác từ Searles Lake ở Trona, San Bernardino County, California. Hầu hết các viên đá nặng trên 10 ct, đặc biệt có một viên rất lớn, nặng đến >250ct. Gần đây loại đá hanksite mài giác từ Searles Lake cũng đã được bán trên nhiều trang web. Vì hanksite là một khoáng trầm tích do bốc hơi, chúng thì mềm và có thể tan trong nước nên dường như nó không thích hợp trong việc làm trang sức. Tháng 10 năm 2009, ông Arthur Birago đến Searles Lake và sưu tầm được nhiều tinh thể hanksite để nghiên cứu khả năng dùng khoáng này như một loại đá quý.

Searles Lake là một lòng hồ khô nước nằm ở phía Nam sa mạc Mojave, California nơi cung cấp nhiều khoáng công nghiệp như borax trong hơn 100 năm qua. Nơi đây cũng là nguồn khoáng trầm tích do bốc hơi khác như halite, hanksite, trona và sulfohalite. Hanksite, Na22K(SO4)9(CO3)2Cl, chứa cả 2 nhóm sulfate và carbonate, điều này làm cho nó khó xếp loại; hầu hết những nhà khoáng vật học đều xếp nó vào nhóm sulfate (xem E. S. Dana và W. E. Ford, Sách Khoáng Vật Học, quyển thứ 4, biên soạn bởi John Wiley và Sons, New York, 1932, trang 755).

Do mỏ đang trong hoạt động khai thác thương mại nên vùng này chỉ mở cho dân sưu tầm khoáng một lần vào cuối tuần mỗi năm dưới sự giám sát của các cộng tác viên của Searles Valley Minerals. Mặc dù có thể tìm thấy các tinh thể hanksite dài đến nhiều centimet, nhưng các tinh thể đẹp, kích thước nhỏ hơn thường sạch hơn và thích hợp hơn để mài giác (hình 5).

Ông Arthur Birago đã mài giác 2 mẫu hanksite (5,06 và 8,91 ct), sử dụng kỹ thuật mài ngọc tiêu chuẩn. Do tính dễ hòa tan của khoáng nên không thể dùng nước để loại bỏ các màn bẩn bám trên đá, thay vào đó là dùng dung dịch hanksite hòa tan bão hòa để loại bỏ một phần tạp chất này. Các viên đá được đánh bóng bằng bột mài kim cương 0,5 mm và dầu thô parafin được dùng làm chất bôi trơn. Phương pháp này có thể tạo được độ đánh bóng ưng ý và các cạnh giác cắt sắc đẹp nhưng hầu như không thể tránh khỏi vết trầy xước do độ cứng của khoáng này là thấp (3,5 trong thang độ cứng Mohs).

Hình 6: Các khối gaylussite màu lục nhạt là bao thể chủ đạo trong các mẫu hanksite mài giác. Ảnh chụp hiển vi bởi N. Renfro; phóng đại 60 lần.

Không có gì ngạc nhiên khi quan sát dưới kính hiển vi thấy các chỗ mẻ, trầy, xước và các vết nứt cát khai trên một số bề mặt của các viên đá mài giác. Cả hai mẫu có các bao thể giống nhau, hầu hết là các tinh thể góc cạnh màu lục nhạt (hình 6). Phân tích phổ Raman xác định được chúng là gaylussite, một Na-Ca-carbonate ngậm nước, Na2Ca(CO3)2.5H2O.

Kiểm tra ngọc học cơ bản trên 2 viên đá thu được các đặc điểm phù hợp với đặc điểm ghi trong ấn bản sách khoáng vật học về khoáng hanksite như sau: chiết suất RI – 1,469–1,481; tỷ trọng SG (xác định bằng thiết bị Sarin, một lần nữa do tính tan của khoáng nên không sử dụng đo tỷ trọng theo cách thông thường) – ~2,58; phát quang – vàng phớt lục yếu dưới UV sóng dài và vàng phớt lục vừa dưới UV sóng ngắn, phát lân quang kéo dài ~3–5 giây. Phân tích phổ Raman cũng chứng thực các viên đá trên là hanksite.

Do tính dễ hòa tan, độ cứng thấp và nhiều bao thể của hanksite nên nó không thích hợp để dùng làm đồ trang sức. Dù vậy hanksite được đánh giá là một khoáng sưu tập rất đặc biệt.

(Theo Nathan Renfro trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)

 

Các Hạt Khoáng Lepidolite Từ Mozambique

Hình 7: Những hạt này (đường kính 12 và 20 mm) được mài từ lepidolite cấu trúc hạt thô, dạng khối cầu gồm nhiều lớp lepidolite nén chặt lại. Ảnh chụp bởi Jeff Scovil.

Các đá trong nhóm mica như muscovite và lepidolite không sử dụng phổ biến như là một khoáng vật quý mặc dù chúng có thể được đánh bóng thành các viên cabochon và thậm chí là các viên mài giác tạo thành các khối hạt với các sớ mịn và màu sắc hấp dẫn (Fall 1993 Gem News, trang 210 – 211; Spring 2006 Gem News International [GNI], trang 65 – 66). Tại hội chợ khoáng vật và hóa thạch Arizona tổ chức ở Hotel Tucson City Center, Giuseppe Agozzino (Geofil, Cascais, Bồ Đào Nha) cho tác giả xem một số hạt lepidolite màu tím từ mỏ Naipa ở vùng Alto Ligonha thuộc Mozambique (hình 7). Các hạt này thu hút bởi cấu trúc hạt thô của chúng đã tạo ra sự phản chiếu sáng bóng khi xem từ một hướng nào đó. Ông Agozzino cho biết rằng ~200 chuỗi hạt như thế này đã được sản xuất, đường kính từ 12 đến 20 mm. Ngoài ra còn có một số lepidolite được đánh bóng thành các khối hình cầu có đường kính lên đến 12 cm.

Trong khi hầu hết lepidolite cấu trúc hạt thô thiếu độ bền cần thiết để trở thành khoáng quý thì những hạt này được mài bóng từ nhiều lớp lepidolite nén chặt lại thành các khối cầu đồng tâm. Những “quả bóng” lepidolite có thể đạt được kích thước lên đến trên 14 cm (M. Battencourt Dias và W. Wilson, “The Alto Ligonha pegmatite, Mozambique”, Sách khoáng vật học, Vol. 31, trang 459 – 497). Đá lepidolite dạng thô chưa cắt mài được tìm thấy nhiều năm trước từ những chất phế phẩm của các quặng mỏ. Đến nay mỏ Naipa vẫn còn tiếp tục khai thác tourmaline chất lượng quý, beryl và những khoáng khác trong đó có lepidolite. (Theo Brendan M. Laurs trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)

 

“Thạch Anh Churrasco” Chứa Bao Thể Tourmaline Và Chamosite Từ Brazil

Tháng 5 năm 2009, Denilson Henrique Salomão (Hercules Gems, Teófilo Otoni, Brazil) khai thác được 700 kg thạch anh không màu đến ám khói chứa các kim và hình lục giác màu đen từ vùng Chapada Diamantina thuộc bang Bahia. Lô hàng này gồm các mẫu đá đã bị vỡ và các tinh thể hình lăng trụ; chỉ một ít viên có dạng tinh thể tự nhiên hoàn chỉnh. Có khoảng 100 kg đá có chất lượng thích hợp để cắt mài thành các viên cabochon và mài giác (hình 8) và 600 kg còn lại dùng để khắc tượng. Ông Salomão đã cho bán khoáng này tại hội chợ GJX, Tucson và ông cũng tặng một số mẫu cho bảo tàng khoáng vật học ở trường đại học Rome “La Sapienza”, những mẫu được dùng nghiên cứu cho bản tin này.

Hình 8: Viên “thạch anh Churrasco” cabochon này nặng 17,44 ct chứa tinh thể chamosite giao nhau với một kim schorl. Ảnh chụp bởi M. Macrì.

Hai viên cabochon được mô tả đặc điểm bằng cách dùng các phương pháp kiểm tra ngọc học cơ bản, một phép kiểm tra bằng kính hiển vi quét điện tử FEI Quanta 400 và một máy vi dò điện tử Cameca SX 50 ở Viện Địa Chất Môi Trường Và Địa Kỹ Thuật thuộc Hội Đồng Nghiên Cứu Quốc Gia Italy (IGAG-CNR) tại Rome và một nhiễu xạ kế tia X Seifert MZIV ở trường đại học Rome “La Sapienza”. Các đặc điểm ngọc học phù hợp với thạch anh. Các kim màu đen dài từ 0,1 đến 5 cm và có đường kính 50 đến 150 mm. Các bao thể hình lục giác dạng phiến và có độ dài từ 0,1 – 1 cm. Phân tích qua máy vi dò điện tử (xem kho dữ liệu G&G tại www.gia.edu/gandg) xác định các kim này là tourmaline schorl (một loại tourmaline đục, màu đen, giàu sắt) và các bao thể hình lục giác là chamosite (một khoáng thuộc nhóm Chlorite giàu Fe hình thành cùng một loạt với clinochlore – chlorite giàu Mg). Do chamosite chứa một lượng Mg thấp bất thường nên phân tích nhiễu xạ tia X trên mẫu dạng bột được sử dụng để xác nhận kết quả trên.

Các kim tourmaline thường giao nhau với các bao thể chamosite. Tương tự như món churracsco – một món ăn của người Brazil, miếng thịt được nướng trên một que xiên, từ đó ông Salomão và một trong số tác giả (MM) gọi khoáng này là “thạch anh Churrasco”. Theo chúng tôi biết thì đây là bản tin đầu tiên về chamosite có trong thạch anh. Hàm lượng Mg thấp bất thường trong bao thể chamosite và sự kết hợp của chúng với tourmaline cũng là điều đáng chú ý.

(Theo Simona Mazziotti Tagliani, Michele Macrì, Stefano Stellino và Adriana Maras – Khoa Khoa Học Trái Đất thuộc Đại Học Rome “La Sapienza”; Marcello Serracino IGAG-CNR, Rome trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)

 

Ngọc Trai Nuôi Nước Ngọt “Soufflé”

Hình 9: Các viên ngọc trai nuôi nước ngọt “Soufflé” này khá lớn (~14 đến 20 mm) với nhiều tông màu và bề mặt có độ bóng cao. Ảnh chụp bởi Jack Lynch.

Tại hội chợ AGTA, Jack Lynch (Sea Hunt Pearls, San Francisco) có một sản phẩm mới hấp dẫn mà ông bán với tên gọi “ngọc trai Soufflé”. Chúng đáng chú ý vì kích cỡ khá lớn, đến 20 mm; độ bóng cao và màu của chúng được cho là tự nhiên (hình 9). Theo ông Mr. Lynch thì chúng xuất hiện đầu tiên với tên gọi là “hollow keshi” tại hội chợ trang sức và đá quý Hong Kong vào tháng 9 năm 2009. Cái tên này có lẽ xuất phát từ trọng lượng khá nhẹ của chúng, làm cho dân buôn nghĩ là chúng rỗng. Tuy nhiên những dân buôn người Trung Quốc khác thì cho rằng việc tạo ra những viên ngọc trai rỗng lớn như thế là không thể. Ông Lynch cắt một vài mẫu ra làm đôi thì thấy rằng bên trong quả thật có nhiều chỗ rỗng với chất màu đen bám trên thành. Tuy nhiên khi ông trở lại Mỹ và khoan một số viên ngọc trai khác thì thấy rằng có một chất lỏng màu đen chảy ra từ những lỗ khoan. Ông suy luận rằng chúng được tạo ra bởi một quy trình nuôi cấy mới, ở đó một loại nhân khác thường được cấy vào khoang tạo ngọc đã hình thành trước đó trong loài nhuyễn thể.

Hình 10: Ảnh chụp X quang vi cấu trúc của viên “ngọc trai Soufflé” này (dài 18 mm) thấy trong vùng màu xám lại chứa một vùng hình cầu sậm màu hơn (có thể ở dạng khí hay lỏng).

Ông Lynch gởi 2 mẫu không khoang và 1 mẫu cắt dạng miếng đến các nhà giám định đá quý ở nhiều nơi khác nhau. Chúng có kích thước từ 17,7 đến 18,6 mm và có màu trắng, hồng phớt cam nhạt và hồng nhạt; tất cả đều ở dạng méo mó. Ảnh chụp X quang vi cấu trúc cho thấy những vùng khá lớn, méo mó và bên trong lõi có vùng màu xám tương đối đều – dưới tia X những vùng này mờ hơn lớp xà cừ bao quanh cùng với một vùng nhỏ, sậm màu hơn vùng tia X trong suốt (hình 10).

Hình 11: Phần lõi giống bùn thấy rõ trong lát cắt “ngọc trai Soufflé” (bên trái, 13,7 x 11,1 mm; ảnh chụp bởi E. Strack), với cấu trúc lỗ rỗ, dạng bột khô nứt nẻ thấy rõ trong hình ảnh chụp từ thiết bị SEM (bên phải, phóng đại 2000 lần).

Khi cắt một trong số các mẫu ra làm đôi thì thấy chất lỏng màu đen có độ nhớt nhanh chóng khô thành chất màu xám lấp đầy bên trong ngọc trai (hình 11, bên trái). Nó có thể dễ dàng rơi ra ngoài hay mất đi trong khi khoan để lại các lỗ rỗng (những chỗ làm đầy bằng hợp chất hữu cơ) và lớp xà cừ không đều dày từ 1,2 đến 4 mm. Chất màu xám hoàn toàn có thể tách ra khỏi lớp bên ngoài của ngọc trai cho thấy đây là một cấu trúc dễ vỡ, giống dạng vữa khi xem dưới kính hiển vi ngọc học và phổ quét điện tử (SEM; hình 11, bên phải). Phổ phân tán năng lượng của chất màu xám với thiết bị SEM xác định thành phần chính là Si và Al với một ít K, Fe, Mg và Na. Điều này không xác định tên của vật chất nhưng nó chứng tỏ rằng hợp chất đó không phải là calcium carbonate hay hợp chất hữu cơ thường có liên quan với ngọc trai hay các loài nhuyễn thể.

Sau này người cung cấp hàng của ông Lynch xác định với ông rằng “vật chất” đó có thể là bùn ao được dùng trong giai đoạn đầu của quá trình tạo ngọc. Bởi vì vật chất này được đặt cẩn thận vào trong khoang tạo ngọc của loài nhuyễn thể chủ nên ngọc trai nuôi này không được xếp vào loại ngọc “keshi”. Chúng thường hình thành dạng xoắn thú vị trong quá trình nuôi cấy ngọc trai. “Nhân” này không bền cho việc khoan lỗ và không tồn tại trong ngọc trai nuôi đã được khoan. Điều này giải thích tại sao chúng lại có trọng lượng khá thấp và để thu thập được thêm những thông tin và các thuộc tính khác nữa của loại ngọc trai này đã thúc giục ông Lynch bắt tay vào một số nghiên cứu tiếp theo.

(Theo Nick Sturman (nicholas.stu@giathai.net), Phòng Giám Định GIA ở Bangkok và Elisabeth Strack, Viện Ngọc Học Hamburg, Đức trong Gem News International, quyển G&G Spring 2010)