Ngọc ốc

Ngọc ốc giả Việt Nam đến Mỹ

Vào giữa năm 2006, hai viên đá màu cam to đã được gởi đến GIA để được giám định (hình 1). Chủ hàng nói là đã mua chúng tại Việt Nam với tên gọi là ngọc ốc Melo và hy vọng là ngọc thật.

 

Hình 1: Hai viên đá hình cầu, màu cam này (158,69 và 142,43 ct) được mang đến kiểm định với tên gọi là ngọc ốc Melo. Tuy nhiên chúng không phải là ngọc, mà là vỏ ốc biển được mài tròn và được tẩm màu. Cấu trúc dãy rất đặc trưng cho vỏ ốc. Hình của GIA.

Cải hai viên đều hình cầu, đường kính khoảng 27 đến 28 mm, màu cam, có cấu trúc dãy song song và uốn dợn rất rõ. Quan sát dưới phóng đại, thấy chúng có cấu trúc ngọn lửa phân bố thẳng góc với các dãy nêu trên. Chiết suất của chúng dao động lớn 1,50 đến 1,67. Tỷ trọng 2,84 và 2,86. Dùng bông gòn tẩm aceton, lau nhẹ bề mặt 2 viên đá, ta thấy màu cam dính vào bông. Quan sát kỹ thấy màu tẩm còn dính lại ở các khe nứt và các hốc. Bề mặt cũng có các dấu vết sướt do mài. Dưới cực tím sóng dài 2 viên phát huỳnh quang mức trung bình, sóng ngắn thì yếu hơn. Màu huỳnh quang vàng và cam phấn, có dạng đốm và dãy không đều. Qua các chi tiết trên, xác định 2 viên đá màu cam này là đã được mài từ vỏ rất to của một loài ốc biển, sau đó được tẩm màu cam cho giống với ngọc ốc Melo.  

Hình 2: Hình bên trái là cấu trúc dãy song song nằm ngang của vỏ ốc. Cấu trúc ngọn lửa là những sọc nhỏ thẳng góc với dãy. Hình bên phải là cấu trúc ngọn lửa và đốm của ngọc ốc Melo. Hình của GIA.

  Ốc Melo (hình 3) có ở vùng biển Đông Nam, thường người dân dùng để ăn thịt. Hàng ngàn con mới có một con cho ngọc chất lượng quý và to. Ngọc Melo (hình 2 và 3) thường có dạng cầu, màu cam và cấu trúc ngọn lửa và đốm. Dưới cực tím sóng dài, ngọc phát huỳnh quang màu nâu rất yếu, có các đốm màu vàng phớt lục phấn từ yếu đến mạnh; các đốm này ở sóng ngắn phát màu vàng phớt lục phấn yếu. Ngọc to, trên 20 mm, hình cầu, màu cam giá cực cao.

Hình 3: Hình bên trái là ốc biển Melo, người Việt gọi là ốc Giác, là loại ốc tạo ngọc quý Melo thường có dạng tròn, màu cam như hình bên phải, không có cấu trúc dãy. Hình của Pala International.

Vỏ ốc Melo thường mỏng, không thể mài những viên tròn lớn, chỉ có lấy vùng trục xoắn to mới mài được. Riêng ốc Tridacna gigas thì vỏ của chúng vừa to vừa dày, có thể mài thành những hạt tròn lớn. Tuy nhiên loài này đã được bảo vệ theo dạng động vật hiếm.

Vì giá trị ngọc ốc Melo rất cao, khoảng 10 năm nay người ta hay dùng các vỏ ốc để làm giả ngọc. Khi mua, để tránh những viên đá giả, cần xem cấu trúc bề mặt để phân biệt bước đầu, nếu là cấu trúc dãy thì chắc chắn là vỏ. Còn những chi tiết khác phải nhờ đến các đơn vị giám định kiểm tra.