Hình 8: Lớp phủ màu hồng bị phát hiện trên viên kim cương hình trái tim màu hồng rất nhạt (1,50 ct) và viên giọt nước màu hồng nhạt (1,68 ct). Lúc mới đưa đến phòng giám định có màu tương ứng là hồng và hồng nhạt (xem hình nhỏ để thấy màu gần đúng). Ảnh chụp bởi Robinson McMurtry.
Đã có nhiều báo cáo mô tả việc kim cương được phủ màu hồng bằng kỹ thuật từ thực tiễn xa xưa của việc “sơn” trên đá, nghĩa là viên đá được phủ một lớp màn mỏng rất tinh vi (theo A. H. Shen và những người khác, “Kim cương phủ màu với tông màu lạnh: phát hiện và độ bền”, Spring 2007 G&G, trang 16–34). Mới đây phòng giám định Carlsbad nhận một viên đá hình trái tim nặng 1,50 ct và 1 viên hình giọt nước nặng 1,68 ct (hình 8), lúc ban đầu viên trái tim có màu hồng và viên giọt nước có màu hồng nhạt. Phổ FTIR và phổ phát quang bức xạ (PL) của chúng phù hợp với kim cương hồng kiểu IIa. Tuy nhiên phổ Vis-NIR của chúng (đo ở nhiệt độ thấp) là bất thường đối với kim cương hồng kiểu IIa này, chúng thường có một dãy rộng tập trung ở 550 nm. Trường hợp của hai mẫu này thì có hai đỉnh phổ hấp thu tập trung ở ~505 và 540 nm (hình 9, đường phổ trên cùng). Hơn nữa khi cho tiếp xúc với dung dịch nitrogen lỏng đã làm giảm cường độ các đỉnh phổ hấp thu này (hình 9, đường phổ giữa).
Hình 9: Phổ Vis-NIR ban đầu của viên giọt nước nặng 1,68 ct (trên cùng) không phù hợp với kim cương hồng kiểu IIa và yếu hơn khi thử lại sau khi cho vào dung dịch nitrogen lỏng (giữa). Sau đó tất cả các lớp phủ bị bay đi khi chùi bằng nước xà phòng và acetone, phổ có dãy hấp thu như dự đoán 550 nm (dưới cùng). Theo một qui trình chuẩn thì tất cả các phổ Vis-NIR thu được đều ở nhiệt độ nitrogen lỏng.
Dưới kính hiển vi, cả hai viên hầu như không thể phát hiện dấu vết của vật chất tàn dư màu đỏ thường thấy trong kim cương hồng tự nhiên. Sau khi cả hai được chùi sạch hoàn toàn bằng nước xà phòng và acetone thì màu của chúng nhạt đi đáng kể cho thấy chúng bị xử lý bằng cách phủ màu, lớp phủ này bị mất đi bằng dung dịch kể trên. Các viên kim cương đã được chùi sạch lớp phủ bây giờ có phổ Vis-NIR như suy nghĩ của nhóm nghiên cứu (hình 9, đường phổ dưới cùng). Khi đó chúng được phân cấp màu lần 2, khi không bị phủ, viên trái tim có màu hồng rất nhạt và viên giọt nước có màu hồng nhạt – cấp màu của 2 viên giảm đi khá nhiều. Mặc dù có sự biến đổi nhẹ ở một số dãy phát quang trong phạm vi rộng nhưng phổ PL thì không thay đổi. Điều này không làm ngạc nhiên vì xử lý trên bề mặt thường không phát hiện được bằng các phương pháp phân tích thâm nhập sâu vào viên kim cương như FTIR và PL (báo cáo của Shen, 2007). Phương pháp xử lý này rõ ràng là để làm tăng màu cho những viên kim cương hồng nhạt trên, thông thường thì lớp phủ màu sẽ không tồn tại lâu dài nhưng hy vọng ít nhất nó sẽ kéo dài qua quá trình giám định. Phủ màu thường chịu được cách cầm thông thường bằng kẹp và lau chùi bằng vải lau đá quý và một số viên vẫn còn tồn tại lớp phủ sau khi cho vào dung dịch nitrogen lỏng. Tuy nhiên việc lau chùi đơn giản chỉ hoàn toàn bằng nước xà phòng cũng sẽ làm bay hầu hết lớp phủ và acetone sẽ làm bay phần còn lại. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Sally Eaton-Magaña trong Lab Notes, quyển G&G Winter 2010)