Hình 5: Viên kim cương 1,29 ct được chứng minh là bị phủ màu để cải thiện màu đen của nó. Ảnh chụp bởi Jian Xin (Jae) Liao.
Trong vài năm gần đây, tạp chí Gem & Gemology có đăng tải một số viên kim cương đen đặc biệt thú vị (xem quyển Spring 2007, Winter 2007, Fall 2008 và Summer 2010 phần Lab Notes; ngoài ra S. V. Titkov và nhóm nghiên cứu cũng có bài “Nghiên cứu về những nguyên nhân tạo màu trên kim cương đen vùng Siberia”, Fall 2003, trang 200 – 209). Màu của kim cương đen là tự nhiên thì thường đặc trưng bởi các nguyên do như chứa nhiều bao thể khoáng vật hoặc mây có màu đậm/sậm. Nó cũng có thể được quy cho sự phóng xạ nhân tạo hoặc graphite hóa do nhiệt dọc theo các mặt nứt (các quá trình này có thể từ tự nhiên hoặc xảy ra trong phòng thí nghiệm).
Hình 6: Dưới ánh sáng phản chiếu, viên kim cương 1,29 ct có màu rõ ràng là nhạt hơn ở dọc các cạnh giác. Phóng đại 30 lần. Ảnh chụp bởi Erica Emerson.
Mới đây, phòng giám định ở New York có nhận một viên kim cương hình giọt nước, màu đen, nặng 1,29 ct (hình 5) được yêu cầu xác định nguồn gốc màu sắc. Phổ hấp thu hồng ngoại xác định đây là kim cương kiểu Ia có chứa tạp chất hydrogen (H). Đúng như mong đợi, viên đá trơ dưới cả chiếu xạ cực tím UV sóng ngắn và sóng dài. Tuy nhiên, kiểm tra dưới kính hiển vi thì thấy rõ ràng là màu của viên kim cương nhạt hơn tại vị trí dọc theo các đường giao giữa các giác (hình 6) và những vùng này có sự tương phản về phát quang khi quan sát trong thiết bị DiamondView (hình 7). Gờ cũng cho thấy có sự tập trung màu sậm và những vết xước ở phần đáy thì sáng màu hơn phần màu đen của đá; cả hai đặc điểm này dễ dàng quan sát thấy bằng kính hiển vi. Những mặt nứt bên trong kim cương có màu tối là do các bao thể tự nhiên màu đen. Các đặc điểm quan sát được cho thấy nó là kim cương được cải thiện làm đậm màu thêm bằng cách phủ màu.
Hình 7: Dưới thiết bị DiamondView, lớp phủ trên kim cương đen cho thấy sự khác biệt rõ về phát quang tại các cạnh giác, những cạnh này có vẻ hơi bị mòn (trái). Sau khi được làm sạch bằng acetone và bột mài corundum (khách hàng cho phép), lớp phủ xuất hiện những chấm lốm đốm và cạnh giác không còn rõ nữa (phải). Ảnh chụp bởi Erica Emerson.
Đây là lần đầu tiên phòng giám định ở New York bắt gặp loại kim cương phủ màu đen thế này. Do viên kim cương được phủ màu nên phòng giám định không phân cấp màu cho nó. Trong trường hợp này màu đen được phủ lên làm cho viên đá có vẻ ngoài tối hơn, đến nỗi ta thấy nó đúng là màu đen. Mặc dù việc phủ màu kim cương đen có thể cải thiện toàn bộ vẻ ngoài của nó hoặc chỉ ở phần nào đó là có màu nhưng trong trường hợp này việc xử lý dễ dàng được xác định bằng kính hiển vi. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Erica Emerson trong Lab Notes, quyển G&G Fall 2011)