Hình 3: Khu vực khai thác aquamarine ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam gồm các hầm mỏ nhỏ bao quanh bởi khu rừng rậm rạp. Ảnh chụp bởi D. Blauwet.
Vào tháng 5 năm 2011, nhóm cộng tác viên có ghé thăm mỏ aquamarine ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa thuộc miền Bắc Việt Nam (xem bài viết của L. T. –T. Hương và nhóm nghiên cứu “Aquamarine từ huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam”, trong quyển G&G Spring 2011, trang 42 – 48, http://dx.doi.org/10.5741/GEMS.47.1.42). Cuộc hành trình bắt đầu từ Hà Nội, từ nhà của ông Lai Duy, một người bạn thân và cũng là hướng dẫn viên của chuyến đi này. Mọi người đi về phía Nam cách thành phố Thanh Hóa khoảng 5 giờ đi xe. Sau đó vào những con đường hẹp, qua những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát và những cảnh quan của địa hình karst tuyệt đẹp (dạng địa hình đá tai mèo do đá vôi bị phong hóa) trên đường đi đến những ngọn núi xa xôi, nơi có loại đá pegmatite granite chứa nhiều đá aquamarine. Từ xã Xuân Lẹ, mọi người phải sử dụng môtô di chuyển vượt qua 7 – 8 km cuối cùng để đến chân núi, dọc theo một con đường đất nhỏ hẹp bị cắt ngang bởi vài con suối nhỏ có các cây cầu gỗ rộng khoảng 1m bắt ngang.
Hình 4: Các mỏ ở Thanh Hóa, dùng dây thừng để kéo quặng thô chứa aquamarine từ các hầm. Vài hầm có độ sâu đến ~15 m (phải). Ảnh chụp bởi D. Blauwet.
Qua một lối mòn dốc trơn trượt từ xã Lang Ben để đến khu vực khai khoáng. Sau khi leo trèo từ từ trong cái nóng nhiệt đới khoảng 1 giờ 40 phút và băng qua khu vực trước đây khai thác topaz, rồi sau đó hiện ra trước mắt một con đường mòn từ trong rừng dẫn đến khu vực có khoảng chục hố đào khai thác aquamarine (hình 3). Hoạt động khai thác này rải rác với khoảng cách ~400 m, trải dài từ độ cao 592 m (1,943 ft) đến 621 m (2,039 ft). Khối đá pegmatite nằm gần như thẳng đứng và bị phân hủy cao. Các hầm mỏ được đào sâu đến 15 m (hình 4) và các đường hầm ngang cũng được đào ở đáy một số hầm mỏ. Không có các thanh gỗ hoặc vật chống đỡ nào nhưng các đường hầm này không cho thấy có nguy cơ gì là sắp sụp đổ. Không máy bơm hay thiết bị cơ giới nào được sử dụng, đây rõ ràng là nguyên nhân gây nên sự khó khăn khi phải leo lên xuống hầm mỏ và sự thật là những công cụ cầm tay cũng đủ để đào bới qua tầng mỏ bị phong hóa. Theo những thợ mỏ địa phương thì khu vực này đã được khai khác khoảng 4 năm và mỗi năm thu được khoảng 50 – 60 kg khoáng với nhiều mức chất lượng.
Hình 5: Các tinh thể aquamarine Việt Nam có chiều dài từ 1,5 đến 7,1 cm và mài được các viên đá có trọng lượng từ 1,34 đến 6,96 ct. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.
Leo lên cao hơn, đến độ cao 811 m (2,661 ft; tọa độ 19o50,7’ N, 105o09,7’ E) cũng có sự khai thác khoáng aquamarine và topaz một cách nhộn nhịp. Khu vực khai thác này gồm các đường hầm rộng hơn, đào xuống sâu hơn (15 – 20 m) vào bên sườn đồi nhưng với góc độ nông. Các khối pegmatite này chứa nhiều khoáng thạch anh, có đoạn dài đến ~20 cm được nhìn thấy trong những đóng quặng thô. Loại thạch anh này thường đục, màu trắng đến xám khói nhạt và kết tinh không hoàn chỉnh. Khoảng một chục thợ mỏ đang khai thác tại khu vực này và họ chào bán những lô hàng nhỏ gồm các đoạn bị gãy (1 – 3 g) và một ít tinh thể aquamarine hoàn chỉnh (dài đến ~7 cm; hình 5) với màu xanh hấp dẫn. Các tinh thể này thường có các vết nứt dọc theo chiều dài, chúng sẽ được che khuất bớt trong lúc cắt mài cho ra những viên đá sạch với kích cỡ nhỏ nhưng lại có độ bão hòa màu cao (xem lại hình 5). Topaz không màu đôi khi cũng được tìm thấy dưới dạng các tinh thể trong suốt sáng bóng. Các thợ mỏ này cho biết khu vực này đã được khai thác trong nhiều tháng qua.
Vẻ hấp dẫn – sự khó nhọc – cùng với chuyến thám hiểm này đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về các mỏ aquamarine ít được biết đến, nơi đây được xem là đầy tiềm năng cho việc sản xuất các mẫu khoáng và các đá mài giác chất lượng quý trong nhiều năm tới. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Dubley Blauwet (mtnmin@q.com), Dudley Blauwet Gems, Louisville, Colorado trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)