Khoáng vật Clinohumite, (Mg,Fe2+)9(SiO4)4(F,OH)2, là loại đá được sưu tầm khá hiếm thấy với màu vàng phớt cam đến cam phớt nâu. Đặc biệt những viên mài giác <2 ct là rất hiếm nhưng cũng đã từng có những viên nặng hơn thế được cắt mài, ví dụ như có viên nặng 36,56 ct được L.Massi phát hiện, đăng tải trên InColor, Summer 2007, trang 30 – 31, tiêu đề “Phòng giám định AIGS Bangkok kiểm định viên clinohumite đặc biệt hiếm thấy từ vùng Tajikistan”. Trong bài báo cáo này, chúng tôi diễn dẫn các đặc điểm của viên clinohumite đặc biệt lớn, trọng lượng lên đến 84,23 ct (32,6 x 24,79 x 17,77 mm). Thông tin cơ bản về viên đá được cắt mài này như sau: nó được tìm thấy bởi Y. Zhukov “Clinohumite – The mountain fire”, InColor, Spring 2010, trang 48 – 51.
Hình 1: Viên clinohumite mài giác này có trọng lượng đặc biệt lớn, 84, 23 ct. Ảnh chụp bởi Jian Xin (Jae) Liao.
Viên đá được mài kiểu giác cúc, hình quả lê và có màu cam phớt nâu (hình 1). Đặc điểm bên trong gồm có nhiều bao thể 2 pha (hình 2, trái) và các mặt tạp chất tàn dư dạng “dấu vân tay” và những đường sọc tăng trưởng màu cam phớt nâu góc cạnh rõ, đây là những bằng chứng chứng minh đây là khoáng clinohumite như các tài liệu trước đây ghi nhận (theo U. Henn và nhóm nghiên cứu, bài “Khoáng clinohumite chất lượng quý từ vùng Tajikistan và Taymyr, miền Bắc Siberia, quyển Journal of Gemmology, Vol 27, No. 6, 2001, trang 335 – 339; và Winter 2004, phần GNI, trang 337 – 338). Nhiều mặt song tinh cũng được nhìn thấy dưới hai nicol phân cực vuông góc (hình 2, phải). Viên đá trơ dưới chiếu xạ cực tím UV sóng dài nhưng lại phát quang màu cam vừa đến vàng phấn mạnh dọc theo các sọc tăng trưởng dưới UV sóng ngắn. Đặc điểm phổ Raman cũng như các đặc tính ngọc học như chỉ số chiết suất RI (1,635 – 1,670) và giá trị tỷ trọng SG (3,21) đã chứng thực khoáng này là clinohumite. Phổ hồng ngoại ghi nhận những đặc trưng hấp thu của clinohumite, bao gồm dãy rộng nằm giữa 3560 cm-1, do sự kéo căng OH, ngoài ra còn các dãy tại 4100 và 4510 cm-1 được cho là do các phân tử MgOH kết hợp với Si-OH theo thứ tự lần lượt (theo R. L. Frost và nhóm nghiên cứu, “Phổ hấp thu hồng ngoại và gần hồng ngoại có thể phân định khoáng trong nhóm khoáng vật humite”, Vibrational Spectrosopy, Vol. 44, 2007, trang 154 – 161, http://dx.org/10.1016/j.vibspec.2006.11.002). Phổ hồng ngoại biến hình Fourier – FTIR và phổ Raman của khoáng vật này hiện có trong cơ sở dữ liệu của G&G (gia.edu/gandg). Phổ huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) phát hiện một lượng chính Mg, Fe và Si và một lượng nhỏ Ti, Mn, cũng cho thấy đây là những đặc điểm của clinohumite.
Hình 2: Quan sát dưới kính hiển vi thấy được bao thể 2 pha (lỏng-khí) (trái, phóng đại 35 lần), sọc tăng trưởng màu cam phớt nâu có góc cạnh rõ (giữa, phóng đại 12 lần) và nhiều mặt song tinh (phải, nicol phân cực vuông góc, phóng đại 75 lần). Ảnh chụp bởi Kyaw Soe Moe.
Hai khu vực chủ yếu có khoáng vật clinohumite chất lượng quý là Pamir Mountains thuộc Tajikistan và vùng Taymyr thuộc miền Bắc Siberia (Massi, 2007). Thật không may là nguồn gốc địa chất của khoáng clinohumite này đến nay vẫn chưa được lý giải. Tuy nhiên mẫu khoáng này là mẫu clinohumite lớn nhất mà phòng giám định GIA kiểm tra. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Kyaw Soe Moe và Wai Win trong Lab Notes, quyển G&G Fall 2011)