Ngọc trai thiên nhiên là khá hiếm gặp và với màu lục tự nhiên lại càng hiếm hơn. Mặc dù thế, màu này lại thường có khuynh hướng chuyển sang màu xám phớt lục, tức là màu xám là màu chủ đạo. Gần đây phòng giám định ở Bangkok có kiểm tra một viên ngọc trai dạng tròn màu xám-lục (hình 11) với kích thước là 10,35 x 9,98 x 9,18 mm (6,72 ct). Viên ngọc trai này được gắn cùng với một viên kim cương nặng 0,70 ct, màu D, độ sạch SI1 trên một mặt dây chuyền bằng kim loại màu trắng và vàng, nó lại nằm trên một sợi dây chuyền dạng mắc xích xen kẽ là các hạt ngọc trai tự nhiên.
Hình 11: Viên ngọc trai thiên nhiên kích thước 10,35 x 9,98 x 9,18 mm (6,72 ct) có màu xám-lục không xử lý rất hiếm thấy. Ảnh chụp bởi Adirote Sripradist.
Quan sát viên ngọc trai dưới kính hiển vi sẽ thấy được các lớp tinh thể aragonite xếp chồng lên nhau tạo nên dãy màu từ lục đến lục-xanh. Không thấy sự tập trung màu nhân tạo ở rìa các tinh thể, yếu tố xác định có tẩm màu hay không (hình 12). Nó phát quang mờ, lốm đốm màu lục dưới chiếu xạ UV sóng dài và trơ dưới UV sóng ngắn. Chụp X quang hiển vi quan sát thấy cấu trúc tăng trưởng đồng tâm, đặc điểm của nguồn gốc tự nhiên. Phân tích EDXRF xác định có sự tập trung của Mn và Sr và do đó cũng chứng minh được ngọc trai này có nguồn gốc từ nhuyễn thể nước ngọt hay nước mặn. EDXRF dò được 77ppmw Mn và 2148 ppmw Sr, cho biết nguồn gốc nước mặn của ngọc trai.
Hình 12: Cấu trúc bề mặt của viên ngọc trai màu xám-lục tự nhiên có các đường răng cưa màu đen tương phản với nền màu lục, chứng tỏ các rìa của lớp tinh thể ngoài cùng là xà cừ. Phóng đại 180 lần. Ảnh chụp bởi Ken Scarratt.
Phổ Raman của ngọc trai này gồm đỉnh chính tại 1087 cm-1 và đỉnh kép tại 703,6 và 706,9 cm-1, chứng tỏ lớp tinh thể ngoài cùng là phần được kết hợp từ aragonite, chỉ tiêu của ngọc trai nước mặn tự nhiên. Phổ phản xạ UV-Vis thấy được các rãnh tại 229, 282, 343, 489 và 834 nm, kéo rộng từ vùng gần hồng ngoại đến vùng nhìn thấy được rồi đến vùng cực tím. Những đặc điểm này không được nhìn thấy trong phổ đặc trưng của ngọc trai họ Pinctada margaritifera, sự phản xạ tạo rãnh tại 700 nm. Do sự phản ứng dưới UV sóng dài không phù hợp với những suy luận về ngọc trai từ loài Pteria sterna, nên nó gần như phù hợp với nhuyễn thể chủ là loài Pinctada mazatlanica, loài hàu có phần cơ màu đen thường sống ở vùng Baja California, Mexico. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Kenneth Scarratt trong Lab Notes, quyển G&G Winter 2010)