Vào khoảng tháng 7 và 8 năm 2010, nhóm cộng tác viên có đến thăm khu vực mỏ Ilakaka-Sakaraha và Andranondambo ở miền Nam Madagascar, nơi đây cũng có rất nhiều thành viên là cộng tác viên của tạp chí này (xem danh sách thành viên ở cuối báo cáo này). Ngoài ra việc thu thập thêm mẫu nghiên cứu cho GIA, mục đích của chuyến đi này là nhằm đánh giá tình hình của ngành kinh doanh sapphire trong khu vực này.
Hình 6: Khu vực làm sạch đá sapphire nằm gần làng Ambalavy, khoảng 50 km về phía tây nam Ilakaka. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.
Được phát hiện vào năm 1998, mỏ khoáng Ilakaka-Sakaraha (hình 6) đã mở rộng hơn 80 km từ công viên quốc gia Isalo kéo dài về hướng Toliara thuộc khu vực bờ biển phía Tây Nam. Nó nhanh chóng trở thành mỏ đá quý quan trọng nhất thế giới, cung cấp một lượng sapphire hồng và xanh rất dồi dào. Mặc dù hơn 99% sapphire xanh là cần phải xử lý nhiệt để có thể tiêu thụ được nhưng cũng có vài viên đặc biệt không có dấu hiệu xử lý nhiệt được tìm thấy mỗi ngày. Mỏ này còn cung cấp những viên sapphire vàng, tím đỏ, tím hoa cà và sapphire “padparascha” màu cam phớt hồng, ngoài ra còn có chryzircon, garnet, spinel và các khoáng quý khác. Mỏ này được khai thác quanh năm chủ yếu bằng các phương pháp thủ công. Nhiều thương buôn đến từ Thailand và Sri Lanka vẫn tiếp tục mua bán tại các cửa hàng trong khu vực này. Hầu hết các lô hàng đều được xuất khẩu sang hai nước trên để xử lý nhiệt và cắt mài trước khi chúng được đưa trở lại thị trường đá quý.
Mỏ đá quý ở Madagascar, đặc biệt là ở Ilakaka, những năm gần đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể như việc kể từ tháng 2 năm 2008 đến tháng 7 năm 2009, chính phủ Malagasy ban hành lệnh cấm xuất khẩu đá quý. So với những năm 2005 và 2008 thì số lượng thương nhân nước ngoài rõ ràng là đã giảm đi rất nhiều và việc đào bới ở khu vực Ilakaka đã chấm dứt. Kết quả là cộng đồng khai khoáng phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác và an ninh trong khu vực cũng là vấn đề cần giải quyết.
Năm 2010, chỉ có 3 công ty nhỏ (2 của Thái, 1 của Malagasy) vẫn còn dùng máy móc. Hầu hết các công ty trước đây sử dụng các thiết bị cơ giới hóa trong việc khai khoáng đã rút lui do sự nghèo nàn của thị trường, giá nhiên liệu và thiếu sự ủng hộ của các nhà chức trách Malagasy. Do chính phủ không quản lý chặt chẽ việc khai khoáng bất hợp pháp đã làm cho các công ty khai khoáng hợp pháp và có trách nhiệm gặp rất nhiều khó khăn.
Vào thời điểm mà nhóm nghiên cứu đến thăm khu vực mỏ chính, nằm gần Antsoa, một ngôi làng ven sông Tahera phía đông nam Sakaraha, nơi đây có khoảng 1500 thợ mỏ làm việc, họ được hậu thuẫn bởi những cư dân Sri Lanka và thương buôn địa phương. Antsoa được xem là nguồn cung cấp sapphire xanh tốt nhất, có những viên đá thô đẹp nặng đến 10 g. Nhóm nghiên cứu đã đến hơn 20 địa điểm khác nhau, nơi nào cũng có từ 10 đến 500 thợ mỏ làm việc. Hiện tại ước lượng có khoảng 50.000 người đang kiếm sống được từ việc khai thác sapphire (trực tiếp hoặc gián tiếp) tại Ilakaka – Sakaraha, vào năm 2005 con số này chỉ bằng phân nửa.
Hình 7: Những viên sapphire xanh này có xuất xứ từ Andranondambo. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.
Trong khu vực Andranondambo, sapphire xanh được khai thác từ nhiều mỏ trọng yếu. Société d’Investissement Australien à Madagascar, một công ty của Australia, đã khai thác tại khu vực này trong vài năm nhưng đến năm 2009 thì đã ngừng hoạt động. Thời gian gần đây có nhiều nhóm nhỏ các thợ mỏ khai thác thủ công tại khu vực gần Andranondambo, Maromby, Tirimena và Siva. Hầu hết khu vực khai khoáng còn hoạt động là ở Ankazoabo (phía bắc Andranondambo), nơi mà công ty Nantin của Malaysia đang hoạt động sử dụng những máy móc tải trọng nặng cùng với khoảng 200 thợ mỏ sử dụng công cụ cầm tay.
Trong khi nhiều loại đá quý vẫn tiếp tục được khai thác, đặc biệt là sapphire xanh đẹp (hình 7) nhưng lợi nhuận thu được từ việc khai khoáng này ngày càng bị thu hẹp đã tạo nên sự cạnh tranh hết sức dữ dội giữa các thương buôn. Trong khi đó đời sống của thợ mỏ và điều kiện làm việc của họ thì càng lúc càng khó khăn. Hầu hết các công ty khai thác khoáng sản đã ngừng hoạt động và nhiều thương buôn đã phải tính đến chuyện chuyển hướng sang kinh doanh ruby ở Mozambique.
Thay mặt nhóm nghiên cứu xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các cộng sự, đồng nghiệp: Nirina Rakotosaona (Société Minière du Cap, Antananarivo, Madagascar), Marc Noveraz (Switzerland), Richard W. Hughes (Bangkok), Tracy Lindwall (San Francisco), Low Pierre Bryl (Gaspé, Canada), Jazmin Amira Weissgärber Crespo (Mannheim, Germany) và Philippe Ressigeac (Montauban, France) trong chuyến công tác vừa qua cũng như những đóng góp của các bạn cho báo cáo này. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Vincent Pardieu trong Gem News Interational, quyển G&G Winter 2010)