Hình 2: Có thể đây là kết quả từ sự làm lẫn tạp trong lò dung dịch chưng cất, các mặt lờ mờ chứa các tinh thể chroride đồng màu xanh đậm được thấy lần đầu tiên trong ruby nhân tạo nhiệt dịch của Nga. Ảnh chụp hiển vi bởi J. I. Koivula; phóng đại 20 lần.
Không có loại ruby nhân tạo mới nào được đưa ra thị trường đá quý trong thập kỷ qua. Tuy nhiên có nhiều bài viết về những đặc điểm bên trong thú vị hiện diện trong những sản phẩm ruby nhân tạo trước đây đã được biết đến và ghi chép lại. Một trong những bao thể đặc biệt ấy có trong các mặt lờ mờ trong viên ruby nhân tạo bằng phương pháp nhiệt dịch của Nga, chúng được làm lẫn tạp với các vi tinh thể chloride đồng có độ trong từ trong đến trong mờ (hình 2) và có màu xanh đậm (xem bài viết của Gubelin và Koivula, 2005). Trên lý thuyết người ta cho rằng có thể những tinh thể này là kết quả của sự làm lẫn tạp, có thể được tạo ra từ một lỗ rò nhỏ qua tấm kim loại trơ trong một bình chứa dung dịch đồng.
Hình 3: Để tạo ra tính mới lạ, các viên ruby và sapphire nhân tạo nóng chảy có thể được dễ dàng cắt ra từ những vùng tăng trưởng có màu được tiếp nối từ phần tinh thể mầm gần không màu. Kết quả có thể tạo ra viên đá nhân tạo có đới màu sắc nét như trong viên đá nặng 1,05 ct này. Ảnh được ghép bởi H. A. Hanni, © SSEF.
Một mẫu đặc biệt khác là ruby nhân tạo nóng chảy có đới màu sắc nét được mài giác dạng oval hơi tròn, giác cắt hỗn hợp với đới màu đỏ phớt tím gần phần chóp đáy (hình 3). Nhìn trực diện từ trên xuống dưới thấy viên đá có màu đỏ phớt tím, mặc dù phần lớn viên đá gồm hầu hết phần đáy và toàn phần trên có màu xanh rất nhạt đến gần như không màu (Kierfer và nhóm nghiên cứu, 2004). Không thể biết được tinh thể gốc được tạo ra với đới màu sắc nét là có chủ ý hay vô tình tạo ra trong quá trình tăng trưởng. Trước đây ruby và sapphire nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy được tạo ra bằng cách dùng các que corundum nhân tạo không màu như là các “tinh thể mầm”. Đá nhân tạo có thể được cắt ra từ những vùng tăng trưởng có màu được tiếp nối từ phần tinh thể mầm gần không màu.
Hình 4: Chứa nhiều khe nứt lên đến bề mặt lấp đầy thủy tinh chì, viên đá nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy nặng 3,50 ct này là điển hình cho việc đá nhân tạo cũng được xử lý và sự hiện diện của việc xử lý sẽ không được hiểu là đá có nguồn gốc tự nhiên. Ảnh chụp bởi Robert Weldon.
Một vấn đề nữa đối với các chuyên gia đá quý là có quá nhiều đá nhân tạo xử lý trên thị trường – và có nguy cơ là chúng có thể bị giám định sai là đá thiên nhiên được xử lý. Điển hình là loại ruby nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy được xử lý lấp đầy thủy tinh chì (xem hình 4). Jang-Green và Befi (2007) đã ghi nhận từ mẫu đá nặng 12,84 ct, viên đá này rõ ràng đã bị làm rạn nứt để tạo ra các khe nứt lên đến bề mặt và những khe nứt đó được lấp đầy bằng thủy tinh chì để hạn chế khả năng nhìn thấy rõ các vết nứt. Khi quan sát mẫu đó trong dung dịch nhúng thì xác định rõ đó là đá nhân tạo do có các sọc tăng trưởng cong (hình 5).
Hình 5: Đặt đá trong dung dịch nhúng và quan sát qua kính hiển vi sẽ thấy các sọc tăng trưởng cong nằm lẫn trong các vết nứt được làm mờ bởi việc lấp đầy thủy tinh chì của viên ruby nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy nặng 12,84 ct, đây là bằng chứng xác định viên đá là nhân tạo. Ảnh chụp hiển vi bởi Riccardo Befi và HyeJin Jang-Green; phóng đại 40 lần.
Do tương đối rẻ nên đá nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy và phương pháp Czochraski có chất lượng cao hiện diện trên thị trường với số lượng lớn, nên không quá ngạc nhiên khi chúng được thể nghiệm với tất cả các phương pháp xử lý bao gồm cả việc xử lý lấp đầy thủy tinh. Vì thế việc giám định không chỉ quan trọng ở việc xác định sự có mặt của các xử lý trên đá mà còn quan trọng ở chỗ phải xác định cho được vật chất ban đầu có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Nathan Renfro, John I. Koivula, Wuyi Wang và Gary Roskin trong phần Synthetic Gem Materials in the 2000s, quyển G&G, Winter 2010)