Hình 5: Tinh thể ruby nhân tạo (cao 2,7 cm) được tạo ra để làm giả ruby thiên nhiên trong đá gốc. Ảnh chụp bởi N. Ahmed, bản quyền của phòng giám định đá quý Dubai.
Tạp chí G&G đã từng đăng tin về một số đá ruby nhân tạo nhưng được rao bán là đá tự nhiên. Trường hợp gần đây làm tác giả thấy cần nhấn mạnh tính quan trọng của vấn đề để phòng ngừa, chống lại sự lừa gạt như thế này có thể xảy ra. Dubai là thị trường khá mới đối với các loại đá màu dạng thô lẫn đánh bóng và là điểm giao nhau giữa nguồn đá quý Châu Phi và thị trường mậu dịch Châu Á. Tại đây cũng xuất hiện rất nhiều đá nhái (giả) các tinh thể đá quý. Thực tế là trong phạm vi 2 năm trở lại đây, nhóm cộng tác viên đã từng đưa nhiều tin về những tinh thể nhái đá emerald và kim cương.
Gần đây, phòng giám định ở Dubai có nhận giám định một mẫu đá thô. Tinh thể đá màu đỏ (hình 5) có dạng sáu cạnh biến dạng và được gắn với một ít vật liệu nền. Nó được xác định là ruby bởi các đặc điểm hấp thu qua phổ kế cầm tay, được xác nhận lại qua phổ UV-Vis-NIR. Qua kính hiển vi phát hiện thấy các sọc cong và các hốc lấp đầy; cùng với bọt khí trong các mặt lấp đầy. Mẫu đá này được xác định là ruby nhân tạo với các mặt nứt lấp đầy. Phổ Raman xác định chất nền là thạch anh, nó được dán cùng với ruby nhân tạo bằng một loại keo. Về phương diện địa chất, thạch anh không đi kèm với corundum, do đó với chất nền là thạch anh cũng đã thêm bằng chứng cho mẫu đá này là đồ giả.
Trường hợp này một lần nữa minh chứng cho tầm quan trọng của các báo cáo từ phòng giám định đá quý và sự cần thiết phải kiểm tra kỹ lưỡng mẫu vật trước khi mua. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Nazar Ahmed (nanezar@dm.gov.ae) và Hassan Al Marzooqi, Gemstone Unit, Phòng giám định trung tâm Dubai, Các tiểu vương quốc A-Rập thống nhất, trong Gem News International quyển G&G Winter 2010)