Hình 7: Các bọt khí bị kẹt trong lớp keo không màu trong suốt dọc theo mặt phân cách giữa hai lớp dán. Sọc cong cũng được nhìn thấy trên ruby nhân tạo ở phần đáy. Phóng đại 22,5 lần. Ảnh chụp bởi Alethea Inns.
Phòng giám định Carlsbad đã từng thấy nhiều viên corundum hai lớp trong nhiều năm qua, hầu hết ở dạng phần trên là corundum thiên nhiên và phần đáy là corundum nhân tạo. Ngoài ra còn có các viên với phần trên là spinel không màu kết hợp với nhiều khoáng vật khác.
Mới đây, phòng giám định Carlsbad có nhận một mẫu đá màu đỏ nặng 4,85 ct để làm giám định. Qua những kiểm tra ngọc học cơ bản ghi nhận được chỉ số chiết suất: 1,725 đối với phần trên và 1,760 – 1,770 đối với phần đáy. Dưới kính phóng đại xem trực diện từ trên xuống thì thấy trong mẫu vật có một mặt keo trong suốt, không màu với lớp bọt khí (hình 7). Lớp keo này phân chia phần màu xanh phía trên với phần đáy màu đỏ. Mặt phân cách này dễ dàng nhìn thấy dưới ánh sáng phản chiếu (hình 8). Những dấu hiệu này cho thấy viên đá được dán ghép lại.
Hình 8: Dưới ánh sáng phản chiếu nhìn thấy rõ mặt phân cách giữa phần trên và phần đáy. Ảnh chụp bởi Alethea Inns.
Khi xem dưới ánh sáng phản chiếu thì thấy có chút khác biệt về ánh đá giữa phần trên và phần dưới. Kết hợp những đặc điểm được nêu ở trên với sọc cong đã khẳng định nó là spinel nhân tạo. Phần đáy có một mặt nứt lớn tạo ranh giới với phần trên, làm cho hai lớp phân tách rõ ràng hơn. Bọt khí và sọc cong trong phần đáy cũng rất rõ ràng, hai đặc trưng của ruby nhân tạo bằng phương pháp nóng chảy. Khi quan sát trong dung dịch nhúng thì hai thành phần tạo nên viên đá hai lớp có thể nhìn thấy rõ (hình 9).
Hình 9: Trong dung dịch nhúng (nước), viên đá 2 lớp nặng 4,85 ct có hai màu khác nhau giữa phần trên và phần đáy và mặt nứt kết thúc đột ngột trong phần trên. Ảnh chụp bởi Alethea Inns.
Hai hợp phần này cũng có những phản ứng khác nhau dưới chiếu xạ cực tím. Phần trên thì trơ, trong khi phần đáy thì phát quang màu đỏ vừa dưới chiếu xạ UV sóng dài. Với UV sóng ngắn, phần trên có phát quang màu lục phấn vừa, đặc trưng của spinel nhân tạo, trong khi phần đáy có phát quang màu đỏ yếu đến vừa.
Không rõ là viên đá quý hai lớp này được dùng để nhái, giả loại đá nào – có thể là spinel đỏ. Thật ngạc nhiên khi thấy hai lớp dán – cả phần trên và phần đáy đều là đá nhân tạo, nhưng rõ ràng là nó không thể vượt qua được với các vật liệu tự nhiên. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Alehea Inns trong Lab Notes, quyển G&G Winter 2010)