Hình 11: Tượng khắc bằng đá rhodochrosite này đặc biệt ở kích thước to lớn của nó (10,875 kg) với nhiều phần màu đỏ phớt nâu hấp dẫn, độ trong suốt tương đối cao và kỹ thuật chạm khắc tinh xảo. Ảnh chụp bởi M. B. Vyas.
Rhodochrosite, một loại khoáng carbonate manganese với màu đỏ hồng đặc trưng và thường được tìm thấy ở dạng khối lớn màu hồng, chắn sáng hoặc trong mờ. Loại khoáng này hiện diện với kích cỡ lớn và thường được chế tác thành các tượng khắc trang trí, các hạt và dạng cabochon. Tuy nhiên các mẫu trong suốt thì tương đối hiếm thấy.
Mới đây, phòng giám định đá quý ở Jaipur, Ấn Độ có kiểm tra một mẫu tượng khắc (hình 11, trái) đặc biệt bởi kích thước và cấp độ trong tương đối cao. Nó có màu không đồng nhất từ đỏ phớt nâu đến nâu phớt đỏ đến hồng phớt nâu. Mẫu vật này nặng 10,875 kg và có kích thước khoảng 21,60 x 20,50 x 15,60 cm. Tượng này khắc hình Phật Thích Ca, một nhà hiền triết người Ấn Độ cổ xưa, người sáng lập nên giáo lý Phật Pháp. Mẫu này còn đặc biệt ở kỹ thuật điêu khắc tinh xảo ở mặt sau của tượng (hình 11, phải).
Mặc dù màu sắc của đá rõ ràng là của đá rhodochrosite nhưng vẫn phải tiến hành các kiểm tra ngọc học để có cơ sở chứng thực. Tuy nhiên do tượng có kích thước lớn nên đã gây khó khăn trong việc đo đạc tất cả các thuộc tính khoáng vật. Ánh của đá tương đối mờ, chứng tỏ độ cứng của nó thấp, điều này cũng đã được kiểm chứng bằng vết rạch tại một điểm khuất trên tượng, sử dụng khoáng fluorite làm vật rạch đối chứng. Chiết suất điểm RI trong khoảng 1,60 với khoảng nhấp nháy lưỡng chiết rộng, đặc điểm này phù hợp với các khoáng carbonate. Dưới chiếu xạ UV sóng ngắn và dài thấy có phản ứng màu đỏ yếu và dưới phổ kế để bàn thấy các dãy hấp thu mạnh tại ~460 và 550 nm. Không thể cân đo được tỷ trọng của tượng khắc này nhưng sức nặng của nó cho thấy nó có giá trị tỷ trọng cao.
Hình 12: Tại các khu vực tương đối trong suốt của tượng này quan sát được 3 hướng cát khai, điều này phù hợp với các khoáng vật nhóm calcite. Ảnh chụp bởi M. B. Vyas.
Kiểm tra dưới đèn sợi quang cường độ mạnh và xem dưới kính phóng đại nhỏ tại các khu vực tương đối trong suốt thấy rằng đá này có 3 hướng cát khai (hình 12), đặc điểm này phù hợp với khoáng vật nhóm calcite như rhodochrosite. Ngoài ra, vài phần màu đen có đặc điểm hoa văn dạng dãy đồng tâm gợn sóng không đều của rhodochrosite (hình 13).
Hình 13: Vài chỗ trên tượng khắc này có các đặc điểm dãy tăng trưởng gợn sóng đến không đều của rhodochrosite. Ảnh chụp bởi G. Choudhary.
Việc xác định mẫu vật này không phải là quá khó mặc dù với kích thước to lớn của nó thì không thể đo đạc hết được tất cả các đặc điểm ngọc học. Việc tiếp xúc với một tượng chạm khắc tinh xảo có kích thước lớn bằng đá rhodochrosite với màu sắc hấp dẫn và có độ trong suốt như thế này thật sự mang lại niềm vui cho các chuyên viên giám định ngọc học. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Gagan Choudhary và Meenu Brijesh Vyas, Phòng Giám Định Đá Quý, Jaipur, Ấn Độ trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)